Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục ''sâu sát, khoa học, hiệu quả''

Việt Tuấn| 18/01/2022 06:21

(HNM) - Năm 2022, dự báo dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác của các cấp, các ngành, trong đó có hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội. Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, HĐND các cấp thành phố sẽ tiếp tục phương châm hoạt động “Đổi mới, sâu sát, khoa học, hiệu quả”.

Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND thành phố phối hợp thực hiện giám sát về công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Kinh nghiệm cần lan tỏa

Theo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, dù dịch bệnh có làm một số kế hoạch phải thay đổi, giãn, hoãn, song tổng thể chung năm 2021, HĐND các cấp thành phố đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi. Trong đó, HĐND các cấp đã tổ chức 1.517 kỳ họp, thông qua 8.688 nghị quyết; tiến hành 1.864 cuộc giám sát, khảo sát; thực hiện 3.987 cuộc tiếp xúc cử tri và đã tiếp công dân 21.024 buổi trong điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch ở mức cao.

“Hoạt động của HĐND các cấp, đặc biệt là HĐND thành phố đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, được nhân dân Thủ đô ghi nhận; được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao; là điểm sáng, hình mẫu trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ kinh nghiệm, để tổ chức kỳ họp thành công, chất lượng thì công tác chuẩn bị rất quan trọng, nhất là việc phối hợp xây dựng báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Cùng với đó, Thường trực HĐND phải luôn động viên, gợi mở, khuyến khích phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp. Với kinh nghiệm này, năm 2021, HĐND quận đã tổ chức thành công 4 kỳ họp bảo đảm chất lượng, nội dung, tiến độ, đúng quy định.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, để các cuộc giám sát, khảo sát đạt chất lượng, ngoài việc lựa chọn vấn đề "nóng", bức xúc, còn cần có phương pháp giám sát, khảo sát khoa học cả trực tiếp và gián tiếp, phù hợp với từng cơ sở, địa bàn. Với cách thức trên, năm 2021, HĐND huyện đã thực hiện 7 cuộc giám sát, 16 cuộc khảo sát chất lượng, hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Thường Tín nhận định, thời gian qua, khi Thường trực, các ban HĐND huyện thực hiện khảo sát, giám sát đều ghi nhận thực tế bằng hình ảnh, nên bên cạnh báo cáo đợt giám sát, khảo sát còn có cả clip trình chiếu ở các hội nghị giao ban, kỳ họp, giải trình của HĐND huyện. Đây là cách làm mới, có sự phối hợp với tổ phóng viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, được đại biểu, cử tri đánh giá cao.

Nâng cao chất lượng hơn nữa

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở những kết quả tích cực của năm 2021, HĐND các cấp thành phố sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước và thực tiễn của Thủ đô trong năm 2022.

Theo đó, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chủ động trong công tác chuẩn bị kỳ họp với các nội dung sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của các địa phương, bảo đảm đúng thẩm quyền, kịp thời, chất lượng, đúng luật. Cùng với đó là thực hiện tốt Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Trong xây dựng chương trình công tác, HĐND mỗi cấp cần tính đến yếu tố thực hiện trong điều kiện phòng, chống dịch.

“Thời gian tới, cấp ủy, Thường trực HĐND cấp huyện cần quan tâm, bố trí tăng đại biểu chuyên trách, bởi thực tế ở một số địa phương hiện chưa bố trí đủ đại biểu chuyên trách. Tăng đại biểu chuyên trách ở cấp huyện cũng thể hiện sự quan tâm thiết thực nhất đến hoạt động của cơ quan dân cử trong thời điểm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không có HĐND phường”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Theo nhiều đại biểu HĐND, để hoạt động của cơ quan dân cử ngày một thực chất, hiệu quả, thì công tác phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải được thực hiện tốt. Vì thế, thời gian tới, mỗi cấp HĐND thành phố cần triển khai ngay việc ký kết phối hợp, hằng quý có kiểm đếm công tác bằng những việc cụ thể. Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp; tiếp tục quan tâm, tổ chức hoạt động giao ban chuyên đề, phối hợp giữa Thường trực, các ban HĐND các cấp nhằm hướng dẫn, góp ý về chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát, tổ chức các phiên giải trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục ''sâu sát, khoa học, hiệu quả''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.