Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục phát triển thủy điện nhưng sẽ quản lý chặt hơn

Theo Quang Toàn| 08/12/2013 21:27

Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà thủy điện đã mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng làm thủy điện thế nào để phát huy lợi ích, hạn chế những tác động tiêu cực là câu hỏi lớn luôn đặt ra với ngành điện.


Thủy điện Sơn La (Ảnh: vov.vn)


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Qua những báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại những cuộc họp gần đây và nhất là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII vừa qua đã phân tích rõ thực trạng của thủy điện và thảo luận rất kỹ về nội dung này. Trên tinh thần đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 62 ngày 27/11/2013, ghi nhận những đóng góp, kết quả tích cực của thủy điện đối với việc thực hiện Chiến lược an ninh năng lượng Quốc gia cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, nhiều dự án thủy điện vừa và lớn đa mục tiêu đã có vai trò cắt, giảm lũ vào mùa mưa và góp phần cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân ở vùng hạ du. Nhiều công trình thủy điện cùng với sự phát triển của mình đã phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng dự án. Qua phát triển thủy điện góp phần tạo thu nhập và việc làm cho một bộ phận dân cư xung quanh khu vực dự án.

“Có không ít những công trình thủy điện đã làm tốt công tác đền bù, di dân tái định cư, đảm bảo cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp, hy sinh của người dân ở vùng dự án, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số dành cho phát triển thủy điện, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Quốc hội đã nêu ra những bất cập, hạn chế trong quá trình phát triển thủy điện, đó là vấn đề quy hoạch chất lượng còn chưa đảm bảo, việc xây dựng công trình, vấn đề bảo đảm an toàn hồ đập cũng còn nhiều trường hợp chưa tuân thủ theo đúng quy định. Ngoài ra, việc đền bù, di dân tái định cư có không ít công trình làm chưa tốt. Vấn đề trồng bù diện tích rừng đã mất, vấn đề vận hành hồ chứa cũng có những trường hợp chưa thực hiện đầy đủ theo các quy trình. Chính những vấn đề này đã gây ra những bức xúc cho dư luận nhân dân. Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận và sẽ có những biện pháp để khắc phục những bất cập kể trên.

“Chúng ta phải cương quyết tìm và thực hiện các giải pháp căn cơ hơn để khắc phục cơ bản những thiếu sót, những tồn tại trong phát triển thủy điện và nếu chúng ta làm được như vậy thì cần phải tiếp tục khai thác những lợi thế của thủy điện, bởi đây là một nguồn năng lượng rẻ, có khả năng tái tạo”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Nếu các công trình thủy điện thực hiện đồng bộ mục tiêu về kinh tế xã hội, hiệu quả tổng hợp về phát triển điện, vấn đề xã hội cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn cho công trình thì vẫn nên làm. Đồng thời với việc đó, kiên quyết dừng những công trình không đạt được mục tiêu tổng hợp về kinh tế - xã hội, không đảm bảo an toàn cho người dân.

* Kiểm soát chặt chẽ bằng các quy trình, quy định

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để khắc phục tình trạng đang từ thái cực khuyến khích, ủng hộ sang thái cực hạn chế, thậm chí chấm dứt phát triển thủy điện, chúng ta cần có các biện pháp khắc phục triệt để những tác động xấu, góp phần làm cho người dân hiểu và đồng tình trong kế hoạch phát triển thủy điện khi thực hiện Chiến lược phát triển an ninh năng lượng Quốc gia, Tổng sơ đồ Phát triển điện qua các giai đoạn.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, các ngành nghiêm túc nhìn nhận, phân tích tìm ra những hạn chế, báo cáo Chính phủ biện pháp khắc phục. Gần đây nhất, tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ đã bàn bạc rất kỹ về nội dung này, đồng thời thống nhất sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về thủy điện, đi theo Nghị quyết này là những kế hoạch hành động chi tiết.

Theo đó, Nghị quyết sẽ có những chỉnh sửa bổ sung về cơ chế, chính sách; thắt chặt quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện, tập trung vào một đầu mối; xem xét lại việc phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện; quan tâm hơn nữa vấn đề di dân tái định cư, rà soát lại quy trình vận hành các hồ chứa…, nếu còn thiếu thì phải ban hành. Đồng thời, kiên quyết yêu cầu trồng bù diện tích rừng đã bị thu hồi và xử lý nghiêm các sai phạm. Trên tinh thần đó, Chính phủ cũng đã phân công trách nhiệm quản lý nhà nước cho các Bộ, ngành và địa phương.

Cụ thể, đối với Bộ Công Thương là cơ quan tổng hợp chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các các địa phương, các chủ đầu tư trong việc thực hiện các dự án thủy điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ trồng bù diện tích rừng, song song với đó, cũng khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ cơ chế đặc thù về đền bù, tái định cư, kể cả các công trình đang xây dựng và những công trình đã xây dựng xong nhưng chưa hoàn thành công tác này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn có trách nhiệm rà soát lại các hồ chứa thủy lợi để đảm bảo an toàn.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ yêu cầu hoàn chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, kể cả quy trình vận hành mùa mưa và mùa khô. Đối với liên hồ chứa đã có quy trình vận hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ yêu cầu phải rà soát, bổ sung sửa đổi cho phù hợp. Bộ này cũng được yêu cầu tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc thủy văn, lưu lượng dòng chảy để đảm bảo chính xác hơn về kết quả dự báo trong mùa mưa lũ cũng như lượng nước về cho dự án thủy điện và thủy lợi.

Đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về những dự án thủy điện đã được phân cấp ủy quyền, kiểm tra, giám sát xử lý những sai phạm và phối hợp với các Bộ, ngành thường xuyên đôn đốc phát hiện những bất cập. Tùy theo mức độ, địa phương có thể kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hoặc tự mình ra những quyết định phù hợp.

Nếu như thực hiện được đúng theo sự phân công của Chính phủ và các biện pháp đã đề ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng chắc chắn chúng ta sẽ khắc phục được những mặt xấu, đồng thời phát huy tốt hơn những mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện.

* Ấn định thời gian ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa

Theo Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện của Quốc hội, trong năm 2014, phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Trong chỉ đạo của Chính phủ cũng quy định rõ hơn đối với những liên hồ chứa chưa có quy trình vận hành nhất là trong mùa mưa phải khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2014. Đối với hệ thống liên hồ chứa tuy đã có quy trình vận hành về mùa mưa nhưng vừa qua phát hiện có những bất cập thì phải chỉnh sửa, bổ sung cho nó phù hợp. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa khô bởi quy trình này cũng rất quan trọng, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân vào mùa khô. Tuy nhiên, do khối lượng công việc còn nhiều, Chính phủ ưu tiên đặt mục tiêu trước hết phải phê duyệt và ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa mưa trước, còn quy trình vận hành liên hồ chứa vào mùa khô phấn đầu ban hành sớm nhất vào năm 2015.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, chúng ta đã có 5 quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa mưa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn lại 6 hệ thống sông sẽ được Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt trong năm 2014./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục phát triển thủy điện nhưng sẽ quản lý chặt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.