Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, đổi mới

Thành Tâm| 20/06/2010 06:13

(HNM) - Chiều 19-6, sau 25 ngày làm việc (từ 20-5 đến 19-6), Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII đã bế mạc. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội đã tập trung xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến vào 6 dự án luật, rà soát công tác giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng...

* Chưa thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc
* Tiếp tục hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch Hà Nội
* Trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô vào năm 2011

(HNM) - Chiều 19-6, sau 25 ngày làm việc (từ 20-5 đến 19-6), Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII đã bế mạc. Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội đã tập trung xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến vào 6 dự án luật, rà soát công tác giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng...

>>Toàn cảnh kỳ họp thứ 7, QH khóa XII

Đánh giá chung về kỳ họp lần này, tại diễn văn bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, kỳ họp đã diễn ra trong không khí dân chủ, với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao, hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra.

Tâm huyết, trách nhiệm

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã xem xét, thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề "về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học". Đây là vấn đề "nóng" thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo đại biểu. Các ý kiến tại Quốc hội đã tập trung vào hệ thống chính sách, pháp luật đối với giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan chuyên môn trong việc tổ chức, thành lập trường ĐH... Các ý kiến đưa ra đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tại kỳ họp, hoạt động này tiếp tục phát huy được những kết quả tốt qua các kỳ họp trước. Nhìn chung, thành viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội đã thể hiện được trách nhiệm cao trong việc nêu câu hỏi chất vấn và trả lời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống và các vấn đề lớn mà kinh tế - xã hội đất nước đặt ra. Câu hỏi nêu ra tại diễn đàn Quốc hội đã giảm "tính địa phương", phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri; các câu trả lời ngắn gọn, khá rõ trách nhiệm và ít né tránh. Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc và cầu thị của Chính phủ.

Xem xét nhiều vấn đề quan trọng

Tại Kỳ họp thứ bảy, nhiều nội dung quan trọng đã được đặt lên bàn nghị sự, đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận sôi nổi, đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi. Trong số đó có việc xem xét về dự án Xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sửa đổi nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và xem xét công tác nhân sự…

Trong số các vấn đề trên, ngay trước phiên bế mạc, các đại biểu Quốc hội đã nghe giải trình tiếp thu về dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đây là dự án được đại biểu đóng góp nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết, thẳng thắn, đa chiều. Trên cơ sở đó, Thường vụ Quốc hội cũng đã trình dự thảo nghị quyết, trong đó nêu rõ: thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội, trong nước và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Song, qua cân nhắc về nội dung cụ thể của dự án và tiến hành biểu quyết nghị quyết về dự án này, Quốc hội thống nhất chưa thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc.

Về việc lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là rất cần thiết, nhưng cũng rất khó và hệ trọng. Với tình cảm và trách nhiệm đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, gợi mở, cho ý kiến về nhiều nội dung của đồ án, nhất là những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về định hướng không gian đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhằm từng bước xây dựng Thủ đô xứng tầm với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa đối với cả nước và khu vực. Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh đồ án.

Trước phiên bế mạc, với đa số ý kiến tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Trong đó, về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Quốc hội dự kiến đưa Luật Thủ đô vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII (cuối năm 2010) và thông qua tại Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XII (năm 2011). Năm 2011, theo chương trình được thông qua, Quốc hội còn dự kiến thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến 11 dự án luật khác. Trong chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Quốc hội dự kiến đóng góp xây dựng 14 dự án luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục phát huy tinh thần dân chủ, đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.