(HNM) - Theo ông Võ Đình Vinh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN), sau 4 năm hoạt động (từ 2008 đến 2011), công tác vận động HMTN đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân về HMTN đã được nâng cao, ngày càng thu hút nhiều người tham gia.
Thanh niên Thủ đô tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Nhật Nam |
Năm 2008 chỉ thu được trên 600 nghìn đơn vị máu, năm 2011 lên hơn 800 nghìn đơn vị. Tỷ lệ dân số hiến máu tăng từ 0,6% năm 2008 lên 0,88% năm 2011, mức tăng bình quân là 13,5%/năm. Năm 2011 có 90% số đơn vị máu thu được từ người HMTN, số đơn vị máu của người cho máu chuyên nghiệp ngày càng giảm mạnh, từ 9,6% năm 2010 xuống còn 6,4% năm 2011. Lượng máu thu được trong 4 năm là hơn 2,5 triệu đơn vị máu toàn phần (tương đương 692.412 lít máu), đã cứu chữa cho hàng trăm nghìn bệnh nhân. Tỷ lệ người HMTN nhắc lại cũng tăng từ 26,5% năm 2008 lên 41,2% năm 2011. Số đơn vị máu từ người HMTN ngày càng chiếm ưu thế, từ 71,6% năm 2008 lên 88,5% năm 2011.
BCĐ quốc gia Vận động HMTN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã triển khai nhiều hoạt động tiếp nhận máu; có nhiều điểm hiến máu và tổ chức nhiều ngày hội hiến máu như "Lễ hội Xuân hồng", chiến dịch "Những giọt máu hồng", "Ngày toàn dân HMTN" (7-4)… được đông đảo người dân và học sinh, sinh viên hưởng ứng. Hơn 100.000 tuyên truyền viên, tình nguyện viên, chủ nhiệm các câu lạc bộ tham gia vận động hiến máu tại 63 tỉnh, thành phố đã được tập huấn.
Tuy vậy, lượng máu tiếp nhận được hằng năm mới đáp ứng được 30-45% nhu cầu cấp cứu và điều trị. Dự kiến nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu giai đoạn 2012-2015 sẽ vẫn tiếp tục tăng nhanh, ước khoảng trên 20%/năm. Vì vậy, tình trạng thiếu máu sẽ trầm trọng hơn, đặc biệt là tại các đô thị có hệ thống y tế chuyên sâu, hiện đại.
Trong giai đoạn 2012-2015, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của HMTN cứu người và tính an toàn trong truyền máu. Hiện cả nước có 30 triệu người trong độ tuổi hiến máu nhưng mới có chưa đầy một triệu người tham gia hiến máu. Vì vậy cần phải có hành lang pháp lý, quan trọng nhất là cần có Luật HMTN quy định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác vận động này; trách nhiệm của công dân đối với xã hội cùng những quy định chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ tuyên truyền, vận động đến tổ chức tiếp nhận, bảo quản, sử dụng máu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.