Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trọng dụng đội ngũ trí thức

Nam Trung| 24/02/2023 12:48

(HNMO) - Ngày 24-2, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

Quang cảnh hội thảo.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân chủ trì hội thảo. Hơn 100 đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự sự kiện.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu tại hội thảo.

Theo đồng chí Lại Xuân Môn, hội thảo lần này là một trong 12 hội thảo chuyên đề nhằm phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).

"Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả quan trọng, nổi bật đã đạt được; phân tích hạn chế, khó khăn và tổng kết các bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 27. Hội thảo tập trung thảo luận chuyên đề về: “Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thu hút đào tạo, bồi dưỡng trí thức”. Từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong giai đoạn mới”, đồng chí Lại Xuân Môn nói.

Báo cáo tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân nhận định, trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng, trình độ, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân; cả nước có gần 30.000 tiến sĩ… Đây là những con số thấp so với yêu cầu thực tiễn.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân phát biểu tại hội thảo.

Đáng chú ý, trong 3 năm gần đây, trên phạm vi cả nước, số lượng nghiên cứu sinh nhóm ngành khoa học công nghệ liên tục giảm (năm 2019 có 1.379 nghiên cứu sinh, năm 2021 giảm còn 1.010 người). Số sinh viên nhập học lại phân bố không đồng đều giữa các nhóm ngành (công nghệ thông tin tăng từ 46.173 người năm 2019 lên 56.260 năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu, nhưng ngành Khoa học tự nhiên chỉ có 50% chỉ tiêu sinh viên nhập học). Nhiều ngành không có sinh viên theo học.

"Cùng với đó, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP rất thấp, chỉ đạt 0,25% - 0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6% - 1%. Những vấn đề nêu trên cũng là những tồn tại, thách thức đang đặt ra sau 15 năm triển khai Nghị quyết 27, cần sớm có hướng giải quyết”, đồng chí Vũ Hải Quân lưu ý.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách để thu hút trí thức về công tác tại các cơ quan, nhưng hiện chỉ nhận được khoảng 20 chuyên gia. 

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí thẳng thắn nhận định: “Dù có nhiều thuận lợi, nhưng thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức. Chính sách của thành phố chưa tiếp cận được và động viên được các chuyên gia, trí thức. Điểm nghẽn là cơ chế, chính sách quy tụ, kết nối, phát huy…”.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập hợp trí thức thông qua các chương trình phát triển thành phố, đặt hàng giải quyết những vấn đề cụ thể. Như vậy, dù đang ở trong hay ngoài nước, các trí thức, chuyên gia vẫn có thể đóng góp cho thành phố.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu tập trung trình bày một số vấn đề nổi bật như rà soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức có trình độ cao, có năng lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận đề cập nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Các tham luận cũng đề cập việc hoàn thiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; cơ chế, chính sách tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe, nhưng đã hết tuổi lao động...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trọng dụng đội ngũ trí thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.