Vào lúc 6h ngày 11-9, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn từ Km191 đến Km192m ngập sâu cả hai chiều. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo các phương tiện hạn chế qua khu vực này, đặc biệt là xe gầm thấp.
Để lưu thông, các phương tiện chọn lộ trình như sau: phương tiện từ Hà Nội đi vào Quốc lộ 1A ra lại cao tốc ở nút giao Thường Tín. Phương tiện đi từ Hà Nam vào Hà Nội đi ra ở nút giao Vạn Điểm (Km204), nút giao Thường Tín (Km193).
Trước đó, vào sáng 10-9, khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập cả hai chiều đường. Trong đó, tại Km 191+200 thuộc địa bàn xã Văn Bình, huyện Thường Tín ngập sâu 50 - 60cm với chiều dài khoảng 200m ở tất cả các làn. Để bảo đảm an toàn, các lực lượng chức năng đã tổ chức cấm đường ngay đầu vào cao tốc, không cho các phương tiện đi theo cả hai chiều và hướng dẫn lái xe cho phương tiện đi theo tuyến Quốc lộ 1A. Sau hơn 1 tiếng cấm đường, bảo đảm được công tác an toàn trên tuyến, lực lượng chức năng đã cho xe lưu thông trở lại để giảm tải lưu lượng phương tiện cho tuyến Quốc lộ 1A.
Tuy nhiên, đến sáng 11-9, khu vực trên vẫn tiếp tục ngập sâu, công tác cứu hộ sẽ rất khó khăn nếu xảy ra sự cố, nên các cơ quan, đơn vị liên quan khuyến cáo các xe hạn chế di chuyển qua điểm này.
Cũng trong chiều 10-9, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra công tác khắc phục ngập lụt trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tại buổi kiểm tra, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái cho rằng, nguyên nhân ngập cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do nước lũ tại hạ lưu các sông dâng cao gây ngập cả khu vực nên việc tiêu thoát sẽ chậm. Vì vậy, giải pháp thoát nước cục bộ tại chỗ khó thực hiện.
Nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng thoát nước của công trình. Trường hợp phải giải quyết thoát nước tổng thể của khu vực phải rốt ráo làm việc với địa phương.
Trước mắt nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung công trình thoát nước, nghiên cứu khả năng tiêu thoát nước nhờ các trạm bơm cưỡng bức của địa phương. Trường hợp không giải quyết được ngập, Cục Đường bộ Việt Nam giao nhà đầu tư nghiên cứu cải tạo công trình bằng việc nâng cao độ nền đường một số đoạn thiết yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.