Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục giảm lãi suất "cứu" doanh nghiệp

Đức Anh| 30/03/2013 06:36

(HNM) - Ngày 29-3, lãnh đạo TP Hà Nội đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế năm 2013.


Lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Như Ý



Doanh nghiệp xin "nới" điều kiện vay vốn

Hiện nay, Hà Nội có 397 tổ chức tín dụng, với mạng lưới 2.045 điểm giao dịch. Các tổ chức tín dụng đã đầu tư 2.250 máy ATM và hơn 16.000 điểm chấp nhận thẻ thanh toán POS. Tính đến hết tháng 2-2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 857.473 tỷ đồng, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 4,69%; dư nợ đạt 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng của ngành cho nền kinh tế. Dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, trong đó dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm 6,2%/ tổng dư nợ, xuất khẩu 10%, DN vừa và nhỏ 8,5%, lĩnh vực không khuyến khích giảm 10%... Lãi suất cho vay VND đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm 17-19%/năm xuống 12-14%/năm và hướng vốn tín dụng vào các ngành, lĩnh vực khuyến khích. Lãi suất cho vay USD cũng ổn định, phổ biến ở mức 5-7%/năm (ngắn hạn), 6-8%/năm (trung - dài hạn), giảm 1-1,5%/năm so với cuối năm 2012. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho 15.558 khách hàng, với dư nợ 154.585 tỷ đồng; giảm lãi cho 20.586 khách hàng, dư nợ 48.680 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại. Lãi suất vẫn còn cao, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế. Thủ tục và điều kiện vay vốn vẫn còn khiến DN khó khăn khi tiếp cận. Trong hệ thống ngân hàng, nợ xấu vẫn còn cao và chưa được xử lý về cơ bản. Những tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng, cùng một số vụ án tại các ngân hàng thương mại đã gây tâm lý thiếu niềm tin vào cả hệ thống ngân hàng của DN và người dân.

Tại cuộc làm việc, hầu hết DN đều kiến nghị ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng cũng cần "nới" điều kiện cho vay để nguồn vốn không chỉ "đến" với những DN, tổng công ty lớn mà còn có thể "đến" với những DN vừa và nhỏ... Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đối với những đơn vị lớn, việc vay vốn ngân hàng không gặp khó khăn, thậm chí DN còn được vay tín chấp hàng chục tỷ đồng. Song với các DN vừa và nhỏ, có vốn điều lệ thấp, để tiếp cận nguồn vốn lại không đơn giản, vì DN có ít tài sản để thế chấp. Bởi vậy, ngân hàng cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống ngưỡng 10%/năm cho phù hợp với "sức khỏe" DN hiện nay. Thêm vào đó, ngân hàng cũng cần có cơ chế "thoáng" hơn để các DN nhỏ, vốn điều lệ ít nhưng có dự án tốt có thể tiếp cận vốn, thay vì phải thế chấp tài sản như hiện nay, cũng như kéo dài thêm thời gian giãn nợ với một số ngành hàng còn đang gặp khó khăn. Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội cho rằng, năm 2013 là một năm khó khăn với DN, nhất là những DN vừa và nhỏ, vì không tìm được "đầu ra" cho sản phẩm nhưng lại không thể vay vốn ngân hàng để trở lại sản xuất. Ông Đỗ Văn Minh cũng kiến nghị ngân hàng rà soát lại chế độ chính sách, có cơ chế để DN tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, điều chỉnh giảm lãi suất, kéo dài thời gian giãn nợ. Không chỉ hỗ trợ cho DN sản xuất, ngân hàng cần ưu đãi lãi suất cho vay tiêu dùng như vay mua xe, mua nhà… vì có tiêu dùng mới có sản xuất.

Dự án tốt, không cần thế chấp

Trả lời những kiến nghị của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định quan điểm điều hành của NHNN là dẫn dắt thị trường về thanh khoản, tỷ giá… nhằm tạo niềm tin cho xã hội, không chạy theo thị trường. Thời gian tới, NHNN sẽ duy trì chính sách áp dụng trần lãi suất để tiếp tục giữ vai trò là "nhạc trưởng" cho các ngân hàng thực hiện. Dự báo, trong năm 2013, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới mức 7%, đây sẽ là tiền đề để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cần có độ trễ nên không thể giảm ngay mà trong vòng từ 1,5 tháng đến 3 tháng tới, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh sẽ "lùi" xuống 9-11%/năm, các khoản vay cũ sẽ được đưa xuống dưới 13%/năm.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho DN vừa và nhỏ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho những DN có dự án kinh doanh tốt mà không cần tài sản bảo đảm. Tỷ giá sẽ được duy trì trong năm 2013, riêng 2 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào gần 5 tỷ USD, do vậy có đủ ngoại hối để giữ ổn định thị trường. Cơ chế giãn nợ, hoãn nợ cũng thực hiện tích cực. Riêng trên địa bàn Hà Nội, đã có 134.000 tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại, chiếm 50% cả nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, những khó khăn đối với nền kinh tế trong nước bắt nguồn từ điều kiện khách quan của nền kinh tế thế giới, cùng với những tồn tại tích tụ trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, cần có những chính sách phù hợp, đó là tháo gỡ khó khăn cho DN, giải quyết những tồn đọng của thị trường bất động sản với những chủ trương, giải pháp cụ thể. Ngân hàng và DN đang chung một con thuyền nên cần sự nỗ lực từ cả hai phía. DN cần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, NH phải tìm cách để kéo lãi suất thấp nhằm giúp DN hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục giảm lãi suất "cứu" doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.