(HNM) - Nền kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19; hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh đều trên đà suy giảm. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ đầu năm 2020 đến nay và duy trì xuất siêu trong cán cân thương mại quốc gia.
Những con số ấn tượng
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8-2020 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng 7. Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đã có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%... so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,9 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực cũng như thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy, xét về cơ cấu hàng hóa, nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 46,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 27 tỷ USD, tăng 13%. Trong khi đó, thị trường châu Âu (EU) đạt 22,9 tỷ USD, giảm 4%; thị trường ASEAN đạt 15 tỷ USD, giảm 13,6%; Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, giảm 1,5%; Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, giảm 6,1%...
Tuy nhiên, qua phân tích số liệu, các chuyên gia cũng cho rằng, việc xuất siêu gia tăng trong 8 tháng qua còn do nhập khẩu giảm 2,2%. Với 90% kim ngạch nhập khẩu là tư liệu sản xuất, nhập khẩu giảm cũng có nghĩa giảm nhập tư liệu sản xuất. Mặt khác, dù khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,8 tỷ USD, tăng 15,3%, song xuất siêu chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu), do các doanh nghiệp này tổ chức được nguồn nguyên liệu, giữ được đơn hàng.
Tập trung khai mở thị trường
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thông qua hình thức trực tuyến để tìm đối tác và thị trường; thực hiện giao thương thông qua thương mại điện tử. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, điều này phù hợp trong tình hình dịch bệnh xảy ra trên phạm vi toàn cầu, cũng như cho phép tiết kiệm chi phí, thời gian, từ đó khắc phục được những hạn chế so với cách tiếp cận trực tiếp truyền thống.
Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp với sở công thương các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến để giới thiệu cơ hội kinh doanh. Sự kiện đã thu hút 100 doanh nghiệp ở điểm cầu Singapore. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng Bùi Thế, tham gia hội nghị, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội quảng bá nông sản, đặc biệt là chè, cà phê, rau và hoa nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng nỗ lực tìm kiếm, tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu. Đơn cử, gạo Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 2,2 tỷ USD, trong 8 tháng năm 2020, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng, đồng thời tận dụng cơ hội khi nhu cầu tiêu thụ gạo của nhiều nước gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), nông sản, nhất là mặt hàng gạo của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu vào EU trong hạn ngạch nhập khẩu hằng năm là 80.000 tấn. Vì vậy, các doanh nghiệp đang kỳ vọng đơn hàng mới sẽ có sự gia tăng cả về sản lượng lẫn giá cả.
Thông tin thêm về thị trường EU, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 1 đến 31-8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng chủ yếu là nông sản, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và hưởng ưu đãi theo EVFTA. Điều đó cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Góp ý thêm về giải pháp tăng cường xuất khẩu, ông Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, các hiệp định thương mại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có những yêu cầu khắt khe, do đó doanh nghiệp cần chủ động nâng cấp kỹ năng, năng lực của đội ngũ nhân viên làm nghiệp vụ xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thực hiện các hợp đồng theo chuẩn quốc tế.
Nhận định về diễn biến xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2020, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu cho biết, nhìn chung xuất siêu vẫn là xu hướng chủ đạo, do hàng hóa xuất khẩu ngày càng được đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã và sức cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta có tính chất bù đắp với hàng hóa tại các nước nhập khẩu mà không phải cạnh tranh, lại được hưởng lợi về thuế suất, nên dễ phát huy sức mạnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.