Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

Nguyễn Mai| 06/10/2022 16:32

(HNMO) - Nếu như các giai đoạn trước, Chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất thì sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước đặt ở mức độ cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn… Trên tinh thần đó, sáng 6-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai 2 chương trình: Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

 Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã giới thiệu 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8-2022.

Theo đó, tại Quyết định số 925/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu Chương trình đề ra cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; ít nhất 50% số hộ dân nông thôn triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn; 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý...

Còn theo Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% số huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...

Để đạt hiệu quả cao, hai chương trình đặt ra những nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương thảo luận và xác định rõ mục tiêu, kế hoạch phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của hai chương trình.

Các địa phương cũng tham luận, chia sẻ kết quả thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, đặc biệt ở các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, hoạt động quảng bá du lịch, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, ở các khu vực miền núi, mật độ dân số thưa thớt, việc cấp nước sạch cho người dân là vấn đề không đơn giản, tốn kém chi phí. Việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch tại đây cũng chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, do đó, rất cần sự quan tâm, tăng tỷ lệ cấp vốn của Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp nhà nước đầu tư, quản lí, vận hành.

Ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam cho rằng, để xử lý được vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới thông minh, cần làm tốt 3 vấn đề: Mỗi tỉnh nên có ít nhất 1 khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp; phải có công nghệ, định vị rác là tài nguyên; việc quản lý sau đầu tư phải có sự đồng hành từ Trung ương tới địa phương.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, các hoạt động hỗ trợ xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm... Đây là bước tiến mới để sản phẩm đặc trưng của tỉnh vươn ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, hai chương trình trên được phê duyệt nhằm hướng đến giải quyết 2 vấn đề rất quan trọng, đó là: Vấn đề môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm (vấn đề không mới, nhưng nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thời điểm rất nóng và bức xúc); vấn đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (vấn đề mới nhưng lại rất quan trọng và tất yếu phải tổ chức triển khai). Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu những ý kiến tại hội nghị và sẽ cùng Bộ NN&PTNT hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện chương trình để đạt hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.