Bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược 10 năm tới, cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân;
Bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược 10 năm tới, cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011-2015 đạt từ 7-7,5%/năm; đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.000 USD, gấp 1,7 lần năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 2%/năm; tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề với thời cơ, thuận lợi, những khó khăn thách thức đều lớn và đan xen nhau.
Để tranh thủ thời cơ thuận lợi, phấn đấu thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và làm tốt hơn nữa công tác khen thưởng. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, tôi chính thức phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015" với những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức… cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi nào công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy đầy đủ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, được các tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức xã hội tham gia tích cực, thường xuyên liên tục, tự giác thì mới tạo ra được động lực thực sự và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Hai là: Gắn phong trào thi đua yêu nước với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", qua đó làm cho mọi người thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc học tập và làm theo các tấm gương người tốt, việc tốt không những có tác dụng tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp để hoàn thành các nhiệm vụ, mà còn góp phần tích cực bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống mới và xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư tật xấu.
Ba là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua. Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở, trong từng thời gian; đồng thời phải chú trọng hướng vào giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn phức tạp đặt ra. Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua chung hằng năm, cần phải quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thực thi và hiệu quả.
Bốn là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và kiên quyết chống bệnh thành tích. Chú trọng khen thưởng người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, công tác và học tập. Làm tốt chức năng quản lý nhà nước về tổ chức tôn vinh các danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp; bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực lan tỏa trong toàn xã hội.
Năm là: Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy về thi đua, khen thưởng, trong đó khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua- Khen thưởng phù hợp với tình hình mới.
Sau đại hội hôm nay, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương mình tiếp tục phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng của bộ, ngành, địa phương đơn vị mình.
Với tinh thần đó, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua đạt thành tích tốt nhất, cao nhất, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững. Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn. Nhân dịp năm mới Tân Mão, xin chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.