(HNM) - Các cây bút trẻ đang cho thấy những chuyển động tích cực khi mang đến làn gió mới bằng âm hưởng lạ, hiện đại trong nền văn học. Đây là niềm hy vọng cho văn đàn Việt Nam trong thời kỳ mới.
Có lẽ, nhiều người đã từng có băn khoăn về sự kế cận của lớp tác giả trẻ cho nền văn học còn “thiếu tầm” nhưng thực tế không hẳn vậy.
Chúng ta đang được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động với nhiều cây bút thế hệ mới từng bước thành danh.
Nhìn lại mùa giải tác giả trẻ lần thứ nhất - năm 2021 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã cho thấy những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực thơ, văn xuôi. Trong đó có thể kể những cái tên như Lý Hữu Lương với tác phẩm thơ “Yao”; Phương Đặng với tập thơ “Con người”; Đinh Phương với tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”; Lữ Mai có trường ca “Ngang qua bình minh”; Thảo Trang với tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục”; Nguyễn Bình mạnh dạn chuyển ngữ Truyện Kiều” sang tiếng Anh…
Các tác phẩm này cho thấy tư duy của đội ngũ tác giả trẻ đã có những thay đổi đáng kể về ý tưởng, nội dung và bút pháp; thậm chí có tác phẩm đã tiệm cận với văn học thế giới hiện đại. Đề tài cũng rất đa dạng, không chỉ có thế mạnh về những vấn đề đương đại của giới trẻ, khoa học giả tưởng, mà những lĩnh vực văn hóa, lịch sử, dã sử... cũng được thể hiện đầy sáng tạo qua cách viết, quan điểm, góc nhìn của giới trẻ. Đây là điều đáng mừng bởi người trẻ với tinh thần sáng tạo không ngừng đã, đang khẳng định những chỉ dấu cho một nền văn chương mới, cảm hứng mới, vẻ đẹp mới.
Tạo dựng một đời sống văn học trẻ sôi động, chất lượng cũng chính là hình thành nên một lớp kế cận đủ năng lực để tiếp tục sự nghiệp và tạo ra chân dung văn học Việt Nam mới. Cơ quan quản lý về văn học - nghệ thuật cũng như hội chuyên ngành cần thấu suốt quan điểm này để tạo cho người trẻ một thế đứng, một sự tôn trọng cũng như trách nhiệm cao hơn với nền văn học nước nhà.
Trong đó, những cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng để khuyến khích người tài theo đuổi nghiệp văn chương cần được quan tâm thích đáng, qua đó trao nhiều cơ hội hơn cho người trẻ dấn thân, tìm tòi, sáng tạo tác phẩm.
Một vấn đề khác cần quan tâm hiện nay là phải tạo được “sân chơi” văn chương cho người trẻ. Các hoạt động cần thường xuyên tổ chức bao gồm hội nghị viết văn, trao giải thưởng, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn văn chương trên các trang web chuyên ngành… Đây sẽ là cơ hội tốt để khuyến khích lực lượng viết văn trẻ trao đổi những vấn đề học thuật, đề tài mà họ đang quan tâm.
Dù đạt những thành tựu đáng ghi nhận nhưng có không ít tác phẩm của các cây bút trẻ hiện nay khó khăn trong việc tiếp cận với bạn đọc, trong đó cơ bản và quan trọng nhất chính là những độc giả trẻ - thế hệ cổ vũ tiếp sức cho nhà văn, nhà thơ.
Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng cũng như chính các tác giả phải thay đổi cách quảng bá tác phẩm để tiếp cận độc giả một cách nhanh hơn, gần gũi và hiệu quả. Với thế mạnh về công nghệ nghe nhìn và internet - mạng xã hội, các tác giả trẻ có thể tận dụng để chuyển hướng từ “tác phẩm giấy” sang “văn học mạng”, bảo đảm phù hợp với xu thế thưởng thức văn chương hiện nay.
Và hơn hết, các cây bút trẻ phải không ngừng học hỏi, trau dồi tri thức, tiếp cận các xu hướng văn chương, nhu cầu độc giả trong và ngoài nước để tiếp tục dấn thân, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, thể hiện trách nhiệm với xã hội, bạn đọc, từ đó góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.