Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục cứu hộ, ổn định cuộc sống người dân các vùng sau lũ

Theo Đình Tăng| 18/11/2013 15:18

Thống kê mới nhất của Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung vào sáng 18/11 cho biết, đến nay lũ lụt đã làm 31 người chết, 9 người mất tích và 20 người bị thương; 225 nhà bị đổ, sập, trôi; 166 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 242.190 nhà bị ngập; 1.078 ha lúa, 1.827 ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.

Nước lũ tại các địa phương đã bắt đầu rút nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.


Trong đó, đáng chú ý là số người chết đã tăng 07 người so với hôm qua (17/11). Cụ thể, tỉnh Quảng Nam: 04 người (tăng 02 người), Quảng Ngãi: 09 người (tăng 01 người), Bình Định: 16 người (tăng 4 người), Gia Lai: 01 người và Kon Tum: 01 người.

Về người mất tích, Quảng Nam: 01 người, Quảng Ngãi: 04 người, Bình Định: 01 người (giảm 01 do đã tìm thấy xác người mất tích trước đó), Phú Yên: 01 người, Khánh Hòa: 01 người và Gia Lai: 01 người.

Về người bị thương, riêng Quảng Ngãi là 19 người, còn lại Đà Nẵng: 01 người. Trong khi đó, số nhà bị đổ, sập, trôi thì Đà Nẵng: 01, Quảng Ngãi: 203, Bình Định: 06, Phú Yên: 14, Khánh Hoà: 01; nhà bị tốc mái, hư hỏng thì Quảng Ngãi: 699 nhà, Bình Định: 84 nhà; nhà bị ngập Thừa Thiên Huế: 11.141 nhà, Đà Nẵng: 32.792 nhà, Quảng Ngãi: 99.945 nhà, Bình Định: 98.095 nhà, Phú Yên: 187 nhà và Ninh Thuận: 30 nhà.

Cũng trong sáng 18/11, Trung tâm Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung cho biết, phần lớn các địa bàn tại địa phương bị ngập lụt trong các ngày qua đến nay nước đã rút, chỉ còn ngập tại một số nơi thấp trũng.

Cụ thể, tại Đà Nẵng trong 2 ngày trước có 19/56 xã phường bị ngập tại các quận, huyện Hoà Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu; trong đó có 30 thôn bị ngập hoàn toàn, 35 thôn bị ngập một phần. Hiện tại nước đã rút, không còn nhà bị ngập, tuyến đường liên xã từ Hoà Tiến đi Hoà Phong bị ngập tại Cầu Hoà Phong. Các tuyến giao thông khác và các tuyến giao thông chính đã đi lại bình thường.

Tại Quảng Nam, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An ngập trên diện rộng. Tuy nhiên, đến sáng nay (18/11), hầu như tất cả các khu vực đã hết ngập. Các tuyến giao thông chính đã trở lại bình thường.

Tại Quảng Ngãi, hơn 40 xã tại lưu vực các sông: Sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn đã bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập. Đến sáng 18/11, không còn nhà bị ngập, chỉ còn một số đường liên xã, liên thôn của các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện, Hành Thịnh thuộc huyện Nghĩa Hành và một số xã khác thuộc hạ du sông Vệ còn ngập cục bộ, các khu vực khác giao thông đã trở lại bình thường.

Tại Bình Định, địa phương bị ngập trên diện rộng mấy ngày qua. Theo đó toàn tỉnh đã có trên 41 xã/10 huyện bị ngập. Trong đó, huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích. Nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn đã gây lũ quét tại các xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang (huyện An Lão). Toàn bộ hệ thống đê Đông hầu hết bị ngập, độ sâu ngập trung bình 0,5m chỗ ngập sâu nhất 1m. Tuy nhiên, đến sáng 18/11, chỉ còn ngập một số xã phía Đông của huyện Tuy Phước; xã Cát Nhơn, Cát Chánh và một phần xã Cát Hương của huyện Phù Cát; phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Giao thông đã trở lại bình thường, riêng tuyến đường ĐT 640 đoạn Ông Đô - Cát Tuyến bị chia cắt chưa lưu thông được.

Tại Phú Yên, bị ngập khu vực dọc bờ sông Cầu, Đồng Xa, Kỳ Lộ tại 3 huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân. Hiện tại đã hết ngập, giao thông đã trở lại bình thường.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung sáng 18/11, mặc dù nước tại các sông ở các địa phương trong khu vực miền Trung bắt đầu giảm nhưng nhiều nơi lũ vẫn còn cao do lượng mưa trong các ngày qua khá lớn. Tổng lượng mưa 3 ngày (từ 19h ngày 14/11 đến 19h ngày 17/11), các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có lượng mưa phổ biến 300 - 400mm; các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Gia Lai và Kon Tum có lượng mưa phổ biến 100 - 300mm; các tỉnh khác có lượng mưa phổ biến 30 - 50mm.

Tuy nhiên, đến sáng 18/11, hầu hết các địa phương trong khu vực mưa đã giảm, do đó lũ ở các sông tại Quảng Ngãi và Bình Định đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Dự báo hôm nay (18/11), lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục xuống chậm và ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, riêng sông Vệ và sông Kôn còn trên mức BĐ2.

Trong khi đó, đến nay các hồ chứa lớn trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều đạt trên 80% dung tích thiết kế và đang vận hành theo đúng quy trình (đang mở các cửa van tràn). Đặc biệt, có một số hồ đang có mực nước cao như Tại Quảng Nam: hồ Phú Ninh xả 241,30 m3/s; hồ Vĩnh Trinh 58m3/s; hồ Thạch Bàn 72 m3/s; hồ Khe Tân 75 m3/s; tại Quảng Ngãi: hồ Núi Ngang xả 290 m3/s; tại Bình Định: hồ Thuận Ninh xả lũ 102 m3/s, hồ Định Bình xả lũ 884 m3/s. Các hồ chứa nhỏ thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên cơ bản đã đầy nước, các hồ chứa thuộc các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt 80 - 85% dung tích thiết kế.

Cùng với các hồ chứa kể trên, hiện các hồ thủy điện tại khu vực hiện nay đã giảm lượng xả. Lúc 06 giờ ngày 18/11 đã có 14 hồ thủy điện xả tràn, 06 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s. Cụ thể: thủy điện sông Tranh 2 giảm lưu lượng xả còn 1.688 m3/s; sông Ba Hạ còn 1.200 m3/s; Yaly còn 800 m3/s; Sê San 3 còn 587 m3/s; Sê San 4 là 1.092 456 m3/s; Sê San 4A là 1.182 m3/s.

Mặc dù lũ tại các sông đã xuống và các hồ chức cũng như hồ thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang giảm dần lưu lượng xả lũ nhưng tình hình ngập lụt vùng hạ du các sống vẫn còn khá phức tạp, nhiều nơi dự báo ngập lụt còn kéo dài. Trước tình hình đó, theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung, hiện nay các địa phương vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp cứu hộ và giúp nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả. Trong đó, công tác ổn định cuộc sống người dân và nhất là hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tuốc men cũng như xử lý nguồn nước, làm vệ sinh môi trường, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục cứu hộ, ổn định cuộc sống người dân các vùng sau lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.