(HNM) - Năm 2010, Hà Nội đã sử dụng 400 tỷ đồng từ vốn ngân sách của TP tạm ứng cho các doanh nghiệp (DN) vay không tính lãi để thực hiện cân đối cung - cầu, bảo đảm dự trữ nguồn hàng, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Mạng lưới bán hàng bình ổn giá đã lên tới trên 400 điểm, trải rộng trên địa bàn TP.
Bước sang năm 2011, từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, sau khi giá xăng dầu, giá điện được điều chỉnh, một số mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng giá theo. Để giúp bình ổn thị trường, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các DN chủ động nguồn hàng, nghiên cứu tổ chức bán hàng bình ổn giá liên tục trong cả năm 2011, giúp người tiêu dùng ổn định cuộc sống.
Khách mua hàng bình ổn giá tại hệ thống cửa hàng của Hapro. Ảnh: Khánh Nguyên |
Những mục tiêu đạt được và tồn tại
Theo kế hoạch, đến tháng 3-2011 Hà Nội mới kết thúc chương trình bán hàng bình ổn giá của năm 2010. Song theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở Công thương Hà Nội, công tác bình ổn thị trường năm 2010 đã đạt được một số kết quả như lượng hàng hóa phong phú, ổn định, chất lượng bảo đảm, người dân và các DN nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, chương trình bình ổn năm 2010 vẫn còn một số vấn đề tồn tại, nhất là vai trò điều tiết thị trường trong thời điểm giá biến động còn chưa kịp thời; số điểm bán hàng ở ngoại thành còn ít, chưa tập trung; vẫn còn một số đơn vị bán giá cao hơn 10-16%...
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, nhiều mặt hàng thuộc hệ thống của Hapro, mặc dù đã ký hợp đồng cũng như đặt cọc tiền, nhưng đối tác vẫn tăng giá do sự biến động của thị trường trong và ngoài nước... Nhưng các trung tâm thương mại của Hapro vẫn bán theo giá đã niêm yết, có mặt hàng chấp nhận lỗ để bình ổn giá theo đúng chỉ đạo của thành phố. Cùng quan điểm này, đại diện Siêu thị Fivimart cho biết, hàng trữ trong kho của hệ thống Siêu thị Fivimart chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của người dân đến hết tháng 2-2011. Hàng mới nhập phải tính theo tỷ giá mới, thậm chí một số mặt hàng siêu thị đang phải chấp nhận lỗ để bán hàng bình ổn giá. Sau Tết Nguyên đán Tân Mão, giá thịt bò tại các cơ sở bán cho Siêu thị Fivimart đã tăng 4%, nhưng siêu thị vẫn phải giữ giá bán đúng như trong Tết... Ở một số siêu thị khác trên địa bàn, hiện các DN đã gửi công văn thông báo tăng giá các mặt hàng thực phẩm 5-20%. Nhưng quan điểm chung của các siêu thị này là thị trường tăng, các siêu thị cũng phải tăng, nhưng tăng vào thời điểm nào, tăng bao nhiêu là vấn đề được các siêu thị cân nhắc. Các siêu thị cũng tích cực chủ động nguồn hàng để có đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người tiêu dùng.
Bán hàng bình ổn giá đã giúp người tiêu dùng ổn định cuộc sống. Ảnh: Bá Hoạt |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.