(HNM) - Theo thống kê từ công cụ tìm kiếm của Google, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm các sản phẩm du lịch bằng tiếng Việt. Thậm chí, tháng cao điểm của mùa du lịch, số lượng người truy cập tìm kiếm thông tin tăng lên đến 8 triệu lượt.
Tiện ích cho du khách
Kinh nghiệm của các nước có ngành "công nghiệp không khói" phát triển cho thấy, khi người sử dụng internet ngày càng tăng thì lợi thế quảng cáo các sản phẩm du lịch trên các trang web càng quan trọng. Không chỉ giúp du khách chủ động lên kế hoạch cho chuyến hành trình, thông tin chi tiết trên các website còn giúp họ có thể tiếp cận được những chương trình du lịch thú vị.
Vịnh Hạ Long - thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Việt Nam được đánh giá cao trong cuộc bình chọn “7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” đang được tổ chức trên mạng internet. Ảnh: Viết Thành |
Theo thống kê của Google, có hơn 98% người mua các sản phẩm du lịch thực hiện tìm kiếm online trước khi chọn tour. Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, trung bình có khoảng 600.000 đến 800.000 lượt tìm kiếm resort (khu nghỉ dưỡng) tại Việt Nam qua internet. Vào những tháng cao điểm, con số này còn tăng đến hơn 1 triệu lượt. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm khách sạn trên internet cũng đạt từ 2-3 triệu lượt/tháng. Đặc biệt, việc tìm kiếm tour du lịch chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt từ 5-7 triệu lượt/tháng.
Đại diện các hãng lữ hành trên địa bàn Hà Nội cho biết, hiện nay xu hướng du lịch "bụi", du lịch "tự do" trở nên phổ biến. Với hình thức này, du khách tự lên mạng đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay rồi đến thẳng khu nghỉ nào đó mà không cần đặt tour trọn gói qua các công ty du lịch. Và nhờ có internet, du khách có thể tiếp cận được "tận gốc" các dịch vụ hay tìm đến các khách sạn, khu nghỉ có ưu đãi, có khuyến mãi. Xu hướng này phát triển làm cho khách đi theo tour của các đơn vị lữ hành giảm nhiều, nhưng điều này lại là lý do cho các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cần phải tăng cường quảng bá tiếp thị trên internet.
Nhận định về xu hướng phát triển kinh doanh du lịch trực tuyến, nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu du lịch ngày càng tăng và xu hướng sử dụng internet trong các hoạt động thường nhật ngày càng phổ biến. Vì thế, việc sử dụng các loại hình dịch vụ này sẽ ngày càng được nhân rộng.
Tiếp thị du lịch trên internet còn ít ỏi
Hiện nay, tại nước ta, nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên đều có hệ thống booking online (đặt chỗ qua mạng), nhờ vậy đã mang đến cho các doanh nghiệp hơn 40% lượng phòng mỗi tháng. Con số này chứng tỏ, thị trường và nhu cầu tìm hiểu thông tin về du lịch qua internet tại Việt Nam ngày càng cần thiết. Tuy nhiên, việc quảng cáo, tiếp thị du lịch, khách sạn trên internet của Việt Nam vẫn còn ít ỏi, chưa đa dạng. Các trang web mới chỉ phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp trong nước, chưa có nhiều trang web phục vụ cho đối tượng nước ngoài, nhất là các dịch vụ về du lịch.
Trang web quảng bá các sản phẩm du lịch của Công ty Du lịch & Tiếp thị Vietravel. |
Tại hội thảo "Google - Trải nghiệm mới cùng du lịch Việt" do Công ty IDM Việt Nam vừa tổ chức, ông Chandler Nguyễn, Giám đốc điều hành IDM Việt Nam - đơn vị chuyên tư vấn giải pháp trực tuyến cho biết, tiềm năng tiếp thị trực tuyến trên internet để quảng bá các sản phẩm của ngành du lịch là rất lớn, giúp doanh nghiệp du lịch có cách tiếp cận hiệu quả, mang lại lợi nhuận lớn hơn trong kinh doanh. Hơn thế, việc tiếp thị trực tuyến còn hứa hẹn không chỉ tăng hiệu quả truyền thông về du lịch Việt đối với tiêu dùng trong nước mà còn giúp quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm làm việc trong ngành quảng cáo trực tuyến, ông Chandler Nguyễn cho rằng, du lịch Việt Nam chưa biết cách khai thác quảng cáo online. Chính vì vậy, việc tiếp thị hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cũng như các địa danh "có một không hai" trên internet hiện vẫn chưa phát huy được tiềm năng của loại hình quảng cáo hết sức hiệu quả này. Đây chính là một điểm yếu lớn đối với du lịch Việt Nam.
Nâng tầm thương hiệu du lịch Việt
Trong khi ngành du lịch nước ta chưa phát huy hết "sức mạnh" của internet thì nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở các nước láng giềng trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia... đang sử dụng công cụ này rất hữu hiệu. Thậm chí, họ còn dùng các kênh quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam để tiếp cận với khách hàng Việt. Tại sao ngành du lịch nước ta không tận dụng phương thức quảng bá hiệu quả này để nâng cao giá trị dịch vụ, qua đó nâng tầm thương hiệu du lịch Việt?
Quảng cáo du lịch trực tuyến đã tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình và giúp họ tiến hành quảng cáo web du lịch theo đúng sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, một lợi ích có thể thấy rõ nhất khi thực hiện các kế hoạch quảng cáo du lịch online là doanh nghiệp có thể thống kê được gần đúng khách hàng tiềm năng. Trong khi đó, nếu dùng quảng cáo truyền thông, con số này chỉ là ước tính với sai số rất lớn.
Theo ông Chandler Nguyễn, kênh trực tuyến sẽ là một kênh mà du lịch Việt Nam không thể bỏ qua ở cả sân chơi nội địa và quốc tế. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp du lịch cần sớm thay đổi tư duy, cần "chi mạnh tay" hơn nữa cho những hình thức quảng cáo trực tuyến. Nếu không, du lịch Việt Nam sẽ bỏ phí các thị trường khách hàng tiềm năng.
Theo số liệu thống kê từ tổ chức Web In Travel (WIT), đến năm 2013, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu từ đặt phòng khách sạn, mua tour du lịch, vé máy bay trực tuyến sẽ chiếm khoảng 50% trên tổng doanh thu. Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng internet là một thị trường đầy tiềm năng cho quảng cáo online (quảng cáo trực tuyến). Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng, quảng bá trực tuyến là một kênh mà ngành du lịch Việt Nam không thể bỏ qua. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.