(HNM) - Năm học mới đến trong bối cảnh cả xã hội đang phải ứng phó với dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn. Dịch bệnh làm không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn, kéo theo hàng loạt trẻ em bị ảnh hưởng. Theo thống kê, số trẻ em khó khăn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng tăng, hiện khoảng 26.000 em.
Tuy nhiên, các em đã không đơn độc bởi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng thành phố, của gia đình, cộng đồng, các nhà hảo tâm... Khẩu hiệu mang tính nhân văn “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau” đã biến thành những hành động cụ thể, thiết thực để cả xã hội cùng quan tâm, chăm lo mọi mặt cho các em.
Bằng tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, nhiều cơ quan, đơn vị như: Quỹ Bảo trợ trẻ em, các trung tâm bảo trợ xã hội, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật... (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố) đã trích quỹ, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí học tập, mua sách vở, đồ dùng học tập... để các em bước vào năm học mới.
Đặc biệt, để có thiết bị học tập trực tuyến, ngành Giáo dục Hà Nội cùng nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em”. Với ý nghĩa thiết thực, chương trình này đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Tính đến ngày 12-9, ngành Giáo dục Thủ đô đã quyên góp được 2.345 thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Tuy chưa thực sự đủ đầy nhưng có thể khẳng định, đến giờ phút này, các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố đều được yêu thương, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện học tập tốt như bao bạn bè cùng trang lứa.
Song, sự đồng hành với các em không chỉ dừng ở thời điểm bước vào năm học mới, mà công cuộc này cần thực hiện thường xuyên, liên tục để học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được nguồn hỗ trợ ổn định, lâu dài cho chặng đường phía trước. Dịch Covid-19 còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực nên chính quyền địa phương, các nhà trường cần rà soát bảo đảm không bỏ sót lọt học sinh khó khăn nào cần trợ giúp. Để hiệu quả hơn, các địa phương cần phối hợp với ban giám hiệu, ban đại diện cha mẹ học sinh các trường quan tâm đến từng trường hợp nhằm kịp thời nắm bắt, có sự hỗ trợ đúng lúc, đúng thứ các em cần.
Đáng lưu ý, với những em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội, các làng trẻ em, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật..., ngoài sự trợ giúp về mặt vật chất, các em còn rất cần những tấm lòng nhân ái, yêu thương. Hơn ai hết, những người công tác tại các đơn vị này cần chăm chút, đùm bọc các em bằng cả tấm lòng, bù đắp những mất mát, thiệt thòi, để các em có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.
Cũng để có thêm nguồn lực tương trợ, các cấp chính quyền, ngành Giáo dục cũng như các đơn vị, sở, ngành liên quan của thành phố cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng cùng hiểu, chung tay đóng góp, nhất là hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” mới được Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12-9. Mỗi tấm lòng sẻ chia sẽ không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn góp phần tiếp thêm động lực để các em tự tin, có được niềm vui trọn vẹn của tuổi đến trường.
Chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn không là việc của riêng ai, riêng ngành hay lĩnh vực nào. Toàn xã hội cùng chung tay để tiếp thêm động lực giúp các em bảo đảm quyền được học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.