Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho nghệ nhân, thợ giỏi

Nguyễn Mai| 04/06/2012 06:56

(HNM) - Thủ đô Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề (LN), phố nghề nhất cả nước với 1.350 làng có nghề, trong đó có 277 LN được công nhận theo tiêu chí. Tại các LN đã sản sinh ra rất nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi, là linh hồn, vun đắp để LN phát triển mạnh hơn, bền hơn, làm rạng danh cho TP.


Có thể khẳng định rằng hiếm có LN nào trên cả nước có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi như ở Bát Tràng (Gia Lâm). Từ năm 2003 đến nay, xã có 17 thợ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Đặc biệt, trong số những nghệ nhân ưu tú đợt 1 do Nhà nước phong tặng, Bát Tràng có 4/13 nghệ nhân của Hà Nội. Theo Nghệ nhân Lê Xuân Phổ, nhờ có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đông đảo, có tay nghề cao đã giúp cho LN Bát Tràng phát triển vững vàng trước biến động của thị trường. Tuy nhiên, ông Phổ cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều nghệ nhân làng mình vẫn còn quan niệm sợ mất nghề nên thường chỉ truyền nghề cho con trai chứ không truyền cho con gái; chỉ truyền cho người trong gia đình chứ không truyền cho người ngoài. Điều này khiến sản xuất nhà nào biết nhà nấy, chưa có sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoặc phối hợp để cùng sản xuất.


Thợ trẻ ở làng thêu xã Lê Lợi, huyện Thường Tín.

Không riêng Bát Tràng, ông Nguyễn Bá Mưu, Phó Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội cho rằng, nghệ nhân trong các LN truyền thống vốn xuất phát từ nông thôn nên họ vẫn mang nặng tư tưởng tiểu nông. Xuất phát từ đó, hoạt động sản xuất ở các LN truyền thống thường rời rạc, không có sự đoàn kết, hợp tác. Đời này nối đời khác, cha dạy con, con dạy cháu theo đường mòn, thiếu kiến thức về chuyên môn. Ngoài ra, nghệ nhân còn rất thiếu kiến thức về thị trường, về luật pháp.

"Ngôi nhà chung" cho các nghệ nhân

Tại đại hội lần I, Hội Nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội diễn ra mới đây, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đến từ các LN trên địa bàn TP đã bày tỏ tâm tư được sinh hoạt trong một tổ chức hội. Anh Hoàng Văn Tỉn, 30 tuổi, thợ giỏi thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn chia sẻ: Dù đã có 12 năm thâm niên trong nghề sản xuất đồ mộc, tuy nhiên gần đây sản xuất ngày càng khó khăn, đầu ra hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm yếu. Việc liên kết hội tụ lại với nhau là vô cùng cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất.

Hiện trên địa bàn TP có hàng trăm nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và UBND TP Hà Nội, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, tập trung ở hầu hết các nhóm nghề như mây giang đan, điêu khắc gỗ, đá, dệt, thêu, gốm sứ... Họ là "kho báu" trong sáng tác, thiết kế và trực tiếp làm ra các sản phẩm độc đáo có tính mỹ thuật và kinh tế cao, là "cội rễ" của các LN. Theo ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi TP Hà Nội, với phương châm tập hợp đội ngũ nghệ nhân thợ giỏi vào tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong sản xuất, khơi dậy tài năng sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi… Trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hội sẽ tổ chức các chương trình truyền, dạy nghề, đặc biệt là "gieo cấy" nghề cho các địa phương còn thiếu nghề, chưa có nghề. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan và các hội bạn triển khai những hoạt động hỗ trợ hội viên như: Mở lớp đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề, sáng tạo mẫu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn và phát triển LN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho nghệ nhân, thợ giỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.