(HNM) - Hệ thống y tế cơ sở với các trạm y tế xã, phường và trạm y tế lưu động có vai trò đặc biệt quan trọng trong chăm sóc, quản lý các trường hợp F0 tự điều trị tại nhà, qua đó hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những ngày này, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã huy động lực lượng tình nguyện viên, tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng để tiếp sức cho hệ thống các trạm y tế xã, phường và trạm y tế lưu động.
Bổ sung lực lượng, vật tư y tế
Để bảo đảm người dân không phải xếp hàng, chờ đợi lâu trong khai báo dịch tễ, từ ngày 2-3, UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) đã áp dụng phần mềm khai báo y tế điện tử cho các F0, huy động đoàn viên thanh niên, giáo viên các nhà trường, tổ Covid-19 cộng đồng vào cuộc hỗ trợ các trạm y tế lưu động, giúp người bệnh khai báo y tế và nhận giấy xác nhận hoàn thành cách ly. Do đó, từ sáng 5-3, người dân có thể khai báo y tế, xem quyết định cách ly, kết thúc cách ly bằng hình thức quét mã QR.
Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Lan cho biết, hệ thống y tế của phường bị quá tải do phải phụ trách chăm sóc sức khỏe hơn 50.000 người dân trên địa bàn. Việc Trạm y tế phường cũng như các trạm y tế lưu động trên địa bàn được bổ sung lực lượng tình nguyện viên vào thời điểm này là hết sức quý giá.
Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) Nguyễn Việt Hà số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh trong khi đó, 7/8 cán bộ Trạm y tế phường cũng là F0, nên phường đã huy động các lực lượng tình nguyện viên cùng tham gia chống dịch. Phường đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng của lực lượng đoàn viên thanh niên tại 13/13 tổ dân phố, phân công Bí thư Đoàn phường chịu trách nhiệm cùng 12 cán bộ đoàn cơ sở phụ trách các tổ dân phố, giúp người dân khai báo kịp thời, đưa vào nhóm Zalo hỗ trợ F0 điều trị tại nhà để tư vấn và chăm sóc.
Tại thị xã Sơn Tây, địa phương có 9.863 F0 đang điều trị tại nhà, các xã, phường trên địa bàn cũng đã huy động lực lượng y, bác sĩ, dược sĩ nghỉ hưu tham gia tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc các F0 điều trị tại nhà... Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng thông tin thêm, từ đầu tháng 2 tới nay, lực lượng tình nguyện viên đã chuyển tới tay người dân địa phương 2.260 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 (do các nhà hảo tâm ủng hộ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã).
Trong khi đó, huyện Ba Vì đã thành lập 172 tổ hỗ trợ người mắc Covid-19 tại nhà với 927 thành viên; cung cấp số điện thoại của chính quyền, cơ quan y tế cho cá nhân, hộ gia đình có F0 để sẵn sàng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời. Các thôn, khu dân cư tạo 1.262 nhóm Zalo với 56.350 hộ gia đình tham gia để chia sẻ diễn biến bệnh dịch, tình hình sức khỏe... Đặc biệt, huyện đã chuẩn bị 4.502 giường bệnh sẵn sàng thu dung, điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động.
Tăng cường hoạt động của các trạm y tế lưu động
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Mê Linh đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 mới hằng ngày liên tục tăng. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường hoạt động của các trạm y tế lưu động trên địa bàn. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mê Linh Nguyễn Kiến Dụ cho biết, các trạm y tế lưu động được tập huấn kỹ lưỡng về việc triển khai hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, kết nối chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển viện; xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19...
Đối với huyện Quốc Oai, trong 7 ngày qua, huyện ghi nhận hơn 8.000 ca F0. Do đó, huyện đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên rà soát hệ thống y tế ở cơ sở; bổ sung kịp thời trang thiết bị và nhân lực cho các trạm y tế xã, thị trấn và các trạm y tế lưu động.
Còn tại huyện Thanh Trì, tính đến ngày 4-3, huyện đã thành lập 16 trạm y tế lưu động. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà. Để bảo đảm mô hình này hoạt động hiệu quả, Trung tâm y tế huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn; hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cho các trạm y tế lưu động và các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà...
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, toàn huyện tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt”; dừng triệt để các hoạt động mừng thọ, họp họ; chú trọng công tác chăm sóc, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, tăng cường hoạt động của các trạm y tế lưu động, các tổ Covid-19 cộng đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.