Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu

Đặng Loan| 19/05/2012 07:32

(HNM) - Tại diễn đàn về cơ hội và triển vọng xuất khẩu năm 2012 do UBND TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP tổ chức ngày 18-5 tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của Chính phủ là tiếp sức cho doanh nghiệp (DN), giúp DN hoạt động hiệu quả để chống suy giảm đang ngày càng hiện rõ trong nền kinh tế của đất nước.


Dây chuyền sản xuất ổn áp LiOA xuất khẩu tại Công ty Nhật Linh.Ảnh: Khánh Nguyên

Xuất khẩu tăng nhưng vẫn lo

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng cao nhờ hai ưu thế: cạnh tranh bằng giá thấp, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng thiết yếu, người tiêu dùng khó có thể cắt giảm. Với đà tăng trưởng xuất khẩu 22% trong 4 tháng đầu năm, TS Thành cho rằng mục tiêu tăng giá trị 12-13% trong năm 2012 sẽ đạt được, tuy nhiên năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của các DN Việt Nam vẫn là điều cần phải cải thiện, vì trong sự tăng trưởng trên có nhiều "công" của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức tăng 36%, còn các DN trong nước chỉ tăng có 4,4%.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, tình hình xuất khẩu năm 2012 về con số có thể chưa đáng lo ngại nhưng điều quan trọng hiện nay không phải là tổng số hàng xuất khẩu được bao nhiêu, tăng trưởng thế nào, mà là năng lực cạnh tranh của các DN trong nước đang như thế nào. Hơn nữa, với tình hình suy giảm nhập siêu hiện nay thì phải lo cho xuất khẩu năm 2013 và những năm sắp tới. Con số nhập siêu chỉ 176 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu là hết sức thấp, biểu hiện sự khó khăn, đình trệ của nền kinh tế hiện nay. Ông Giá cho rằng, xu hướng kinh tế suy giảm sâu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, mà việc giúp DN hoạt động hiệu quả để chống suy giảm kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, bởi nó sẽ mang lại hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế và an sinh xã hội.

Giảm, bỏ những loại phí không cần thiết

Ông Võ Trí Thành cho rằng, "dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong tháng tư đã có những khác biệt nho nhỏ với những tín hiệu lạc quan so với quý I, khi một số chỉ số đang nhúc nhắc đi lên". Đó là chỉ số tăng trưởng 4 tháng đầu năm thấp, nhưng trong tháng tư các chỉ số tăng trưởng công nghiệp và nhập khẩu tăng (trong 3 tháng đầu năm xuất siêu, còn tháng tư nhập siêu 400 triệu USD, trong nhập siêu lại tăng phần thiết bị máy móc và hàng hóa trung gian cho sản xuất). Thêm nữa, tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn âm, nhưng phần âm lớn rơi vào quý I, còn trong tháng tư một số phân khúc bắt đầu có đi lên. Bên cạnh đó, việc thực hiện quyết liệt gói hỗ trợ của Chính phủ, cộng với các điều kiện tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ… sẽ là điều kiện thúc đẩy kinh tế đi lên trong thời gian tới.

Ông Trần Xuân Giá cho rằng, để DN có thể hoạt động hiệu quả thì phải nỗ lực hơn trong điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và Nhà nước cần hỗ trợ tích cực hơn nữa. Bên cạnh những hỗ trợ về thuế như đã công bố, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm giúp DN giảm chi phí sản xuất, cụ thể là bớt các loại phí phải nộp, nhất là với hiện trạng các loại phí vừa nhiều, vừa chồng chéo, vừa cao như hiện nay. Nhà nước cần thống kê toàn bộ các loại phí, có bao nhiêu loại trực tiếp và gián tiếp mà DN và người dân phải nộp, trên cơ sở đó xóa những loại phí lỗi thời, không còn phù hợp; đồng thời miễn, giảm có thời hạn một số loại phí và hoãn thi hành các loại phí mới.

Về lãi suất ngân hàng, dù Chính phủ đã hạ lãi suất nhưng thực tế vẫn còn cao và DN không tiếp cận được. Rào cản hiện nay của DN với ngân hàng là vấn đề nợ xấu của DN. Ngân hàng cũng mong muốn cho vay để có lãi nhưng nhiều ngân hàng hiện không cho vay được dù thừa vốn. Bởi, ngân hàng cũng là một DN, họ cũng phải lo nợ xấu của chính họ, lo cứu chính họ trước. Thế nên, họ buộc phải bảo đảm chất lượng của tín dụng để không tăng nợ xấu của mình. Vì vậy, để DN sớm tiếp cận vốn, Chính phủ cần giúp DN cơ cấu lại nợ, thậm chí Nhà nước đứng ra bảo lãnh nợ xấu để DN đủ điều kiện tiếp cận với ngân hàng, giải tỏa khó khăn về vốn hiện nay cho DN hoạt động, giữ nền kinh tế không rơi vào giảm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.