Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp nối giá trị người Tràng An, xây dựng nét đẹp văn hóa cho đoàn viên, thanh niên

Kiều Oanh - Thái Sơn thực hiện| 20/03/2016 08:13

(HNM) - Thiết thực hưởng ứng Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng.


Phong trào được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, mô hình cụ thể, ý nghĩa: Ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh; văn phòng xanh, cơ quan xanh, trường học xanh; "Gia đình tình nguyện - Cộng đồng tình nguyện"; thanh niên phản ứng nhanh về giao thông và trật tự đô thị; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long... Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng xung quanh vấn đề này.

Tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động

- Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung đặc biệt quan trọng, thu hút sự chú ý từ dư luận trong đó có giới trẻ, anh nghĩ gì về điều này?


- Những năm qua, từ chủ trương của thành phố về xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Thành đoàn đã tích cực triển khai thực hiện, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp bộ Đoàn, các tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Thủ đô. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ. Để thực hiện hiệu quả phong trào này, chúng tôi đã xây dựng thành các chương trình riêng, có nội dung, mô hình cụ thể để triển khai cho đoàn viên, thanh niên.

- Anh có thể cho biết những công việc tổ chức Đoàn đã triển khai?

- Đại hội đoàn thành phố giai đoạn 2012-2017, chúng tôi xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm đột phá của công tác Đoàn, thì nội dung "xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên thanh niên" là một trong 2 trọng tâm đó. Do đó, chúng tôi đã nỗ lực tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của thanh niên trong xây dựng văn hóa ứng xử trên cơ sở tiếp nối những giá trị truyền thống của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đối với mỗi khu vực đối tượng chúng tôi có hình thức tuyên truyền riêng cho phù hợp. Ví dụ chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thi, với đối tượng là học sinh phổ thông, nổi bật là hội thi "Nét đẹp người Tràng An", "Học sinh thanh lịch", "Nét đẹp Hà thành", với sinh viên thì có các hội thi "I miss Thăng Long"; "Duyên dáng Hà thành"; với cán bộ công chức trẻ thì chúng tôi tổ chức các hội thi "Nét đẹp công sở"… Tất cả những nội dung đó nhằm lan tỏa hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Cùng với các hội thi, Đoàn thanh niên còn làm gì để thu hút các bạn trẻ xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh"?

- Ngoài hình thức sân khấu hóa để thu hút thanh niên tìm hiểu, từng bước nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh, chúng tôi đang tập trung tuyên truyền về giá trị truyền thống Thăng Long - Hà Nội bằng các hoạt động trực quan, hành động cụ thể như: Vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép ở nơi công cộng, điểm nóng về vệ sinh môi trường, tạo cho đoàn viên có trách nhiệm với cảnh quan, môi trường sống của Thủ đô; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức hoạt động khắc phục hậu quả sau mưa, dông ở các tuyến phố trên địa bàn; quét dọn, làm sạch Con đường gốm sứ; tham gia đảm nhận các tuyến đường tự quản về trật tự, văn minh đô thị; tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi đến thăm các di tích nổi tiếng gắn với quá trình hình thành và phát triển của thành phố.

- Các hoạt động thiết thực đó có tác dụng tích cực trong giáo dục nhận thức cho thanh niên, nhưng liệu đã có sức hút với những thanh niên ngại khó?

- Với những thanh niên đặc thù như thanh niên tự do, thanh niên yếu thế, thậm chí thanh niên từng có lầm lỗi, chúng tôi cũng đã có các hoạt động thiết thực, tập trung hướng các bạn đến với những hoạt động lành mạnh, gần gũi hơn với cộng đồng. Hiện nay, trong các chỉ tiêu hoạt động của các cấp bộ đoàn đều có nội dung giúp đỡ các bạn thanh niên đặc thù, một số hoạt động cụ thể chúng tôi đang triển khai như: Ưu tiên tổ chức tư vấn nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, hoặc chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương"…

Đây là một trong những nội dung quan trọng thực hiện song song hai nhiệm vụ: Xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đồng thời thực hiện Chỉ thị 42-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030".

Hướng đoàn viên, thanh niên vào những công việc thiết thực

- Nhiều người thường nghĩ, phong trào Đoàn thường chỉ thiên về bề nổi chung chung. Theo anh, tổ chức đoàn các cấp đã làm được gì để góp phần tạo nên những chuyển biến về bộ mặt đô thị của thành phố?

- Chúng tôi đã thành lập nhiều đội hình phản ứng nhanh, sẵn sàng vào cuộc giải tỏa ùn tắc giao thông, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường các khu di tích, các lễ hội truyền thống, tập trung vào những địa điểm là di tích nổi tiếng của thành phố. Trong những năm gần đây, được sự đồng ý của chính quyền, Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức các điểm trong giữ xe miễn phí tại các khu di tích, tạo tiếng vang lớn trong dư luận.

Bên cạnh đó việc tổ chức duy trì một cách thường xuyên các hoạt động giữ gìn trật tự văn minh đô thị, để phát huy vai trò Đoàn thanh niên, làm lan tỏa trong cộng đồng dân cư chúng tôi thành lập các đội hình 3+ ở cơ sở, gồm: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, trực tiếp giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, cảnh quan đường phố, giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi. Một số cơ sở đoàn còn có những hoạt động cụ thể như ngày thứ bảy tình nguyện, thực hiện cải cách hành chính, phục vụ nhân dân trong lĩnh vực thuế, giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân…

- Với chăm lo giải quyết đời sống tinh thần của đoàn viên, thanh niên thì sao, thưa anh?

- Hiện nay Đoàn thanh niên thành phố đang thí điểm chỉ đạo 10 điểm vui chơi sinh hoạt văn hóa cho đoàn viên ở nơi tập trung đông người như các vườn hoa, công viên… Các đơn vị sự nghiệp của Đoàn tổ chức các hoạt động miễn phí như dạy khiêu vũ, dạy đàn hát, các môn nghệ thuật đường phố phục vụ thanh thiếu niên. Ngoài ra chúng tôi cũng đang duy trì việc đối thoại thường xuyên với thanh niên trên kênh 90MHZ của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội vào sáng thứ bảy hằng tuần. Qua đây các bạn đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn có thể cởi mở chia sẻ và trao đổi những vấn đề quan tâm.

- Các hoạt động bề nổi như thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật luôn có sức hấp dẫn lớn đối với đoàn viên, thanh niên. Thành đoàn đã vận dụng những yếu tố đó để tập hợp các tầng lớp thanh niên ra sao?

- Như đã nêu, chúng tôi đã và đang tiếp tục tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh hơn nữa cho đoàn viên, thanh niên. Những sự kiện lớn được tổ chức thường xuyên đã nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ Hà Nội gồm: Cuộc thi nhảy tập thể "Tôi yêu Hà Nội", nhảy flashmob, liên hoan nghệ thuật đường phố, liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, cuộc thi "Ngôi sao dân ca",... mừng các ngày lễ của Thủ đô và đất nước và của đoàn. Nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn, vừa qua chúng tôi đã tổ chức hội khỏe của các cơ sở đoàn toàn thành phố, qua đó tạo cho đoàn viên, thanh niên ý thức về rèn luyện về cả trí lực về thể lực. Đó chính là những kênh quan trọng để tập hợp các bạn trẻ.

Thiếu thiết chế văn hóa, chất lượng cán bộ cơ sở còn hạn chế

- Để có sân chơi cho đoàn viên, thanh niên không thể thiếu các thiết chế văn hóa. Điều kiện về cơ sở hạ tầng của thành phố hiện đã đáp ứng được nhu cầu của các bạn trẻ?

- Hiện nay các thiết chế văn hóa cho đoàn viên, thanh niên chưa đáp ứng được nhu cầu. Thành phố cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này, trong thời gian qua thành phố đang chỉ đạo các cấp các ngành quan tâm đầu tư hai công trình lớn cho thanh thiếu nhi Thủ đô là: Dự án xây dựng mới Cung văn hóa thiếu nhi tại quận Cầu Giấy, dự án Cung văn hóa thể thao thanh niên, tuy nhiên, đến nay, cũng chưa thể triển khai được các dự án trên. Toàn thành phố hiện mới có hai nhà văn hóa thiếu nhi ở quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng cho thanh thiếu nhi đều phải lồng ghép vào các thiết chế khác. Như vậy có thể thấy thời gian qua việc đầu tư các thiết chế cho đoàn viên, thanh niên còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Hiện nay đối tượng thanh niên nông thôn, thanh niên các khu công nghiệp được quan tâm như thế nào?

- Vừa qua chúng tôi thực hiện nhiều Festival thanh niên nông thôn bằng việc tổ chức trò chơi dân gian, thi tay nghề truyền thống, hội khỏe, trưng bày sản phẩm nông nghiệp… Bên cạnh đó, chúng tôi đã lồng ghép hoạt động để đoàn viên, thanh niên nông thôn được tiếp cận, chia sẻ thế mạnh của mình đối với khu vực thành thị như tổ chức diễn đàn trao đổi về các mô hình kinh tế, giới thiệu sản phẩm làng nghề, các chương trình kết nghĩa giữa các cơ sở Đoàn. Với thanh niên trong các khu công nghiệp thì chúng tôi thực hiện các chương trình văn nghệ một cách thường xuyên, tổ chức các chương trình tư vấn sức khỏe, các phiên chợ được trợ giá… Đoàn thanh niên còn tham mưu để thành phố hỗ trợ phát hành Báo Tuổi trẻ Thủ đô miễn phí, đây có thể nói là một nội dung quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các bạn thanh niên.

- Thực tế, chất lượng cán bộ luôn có tính quyết định sự thành công của từng phong trào, với tổ chức Đoàn vấn đề này như thế nào?

- Đối với tổ chức Đoàn, thì công tác cán bộ có nhiều đặc thù khác biệt, yêu cầu riêng: Nhiệt huyết, trách nhiệm, có khả năng làm phong trào thu hút tập hợp thanh niên, nhưng quan trọng là trẻ. Bên cạnh đó thì cán bộ đoàn có đặc thù là không thể làm mãi cán bộ đoàn được, chỉ có độ tuổi nhất định, nên phải chuyển công tác khác khi đến tuổi. Do những đặc thù như vậy, công tác cán bộ đoàn đòi hỏi chế độ chính sách rất riêng, Đảng đã có quy chế cán bộ Đoàn để thực hiện chính sách này. Đây là điều anh em rất phấn khởi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy là chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ đoàn cơ sở cấp chi đoàn trên địa bàn dân cư.

- Thành đoàn đã triển khai những biện pháp gì thúc đẩy nhiệt huyết, nâng cao năng lực của cán bộ đoàn cơ sở?

- Chúng tôi đánh giá cao vai trò của cán bộ đoàn cơ sở, đây là lực lượng trực tiếp kết nối hoạt động với đoàn viên, thanh niên. Hằng năm thành phố đều tổ chức hội thi, tuyên dương bí thư chi đoàn giỏi. Vừa rồi chúng tôi đã tham mưu và thành phố có cơ chế chính sách riêng cho cán bộ đoàn cơ sở, phần nào tạo điều kiện hỗ trợ giúp các bạn hoạt động, tuy nhiên cũng còn rất hạn chế. Hiện nay, thành phố quan tâm khoán kinh phí cho hoạt động của các đoàn cấp xã, phường. Tôi cho rằng hoạt động Đoàn luôn luôn đòi hỏi sự sáng tạo, nên bên cạnh việc khoán định mức cũng mong các cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ thêm, giao các công việc của địa phương cho Đoàn, để Đoàn có kinh phí hoạt động, bảo đảm duy trì hiệu quả.

- Hiện nay có quan điểm những gì liên quan đến thanh niên là việc của tổ chức Đoàn, anh có đồng tình với suy nghĩ đó?

- Theo tôi nhận định đó chưa đầy đủ. Đoàn có nhiệm vụ xây dựng và triển khai phong trào, tạo sức lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên, hướng đoàn viên, thanh niên theo giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, của dân tộc, của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, không thể tất cả những gì liên quan đến thanh niên đều là trách nhiệm của một mình tổ chức Đoàn. Thời gian qua đoàn viên, thanh niên làm rất nhiều việc tốt, để lại những ấn tượng đẹp trong đời sống xã hội, chắc chắn nếu có sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội thì những yếu tố tích cực sẽ còn được nhân rộng nhiều hơn nữa, góp phần đẩy lùi những điều chưa tốt, những hạn chế tiêu cực cả trong nhận thức, suy nghĩ, hành động của các bạn trẻ.

- Cảm ơn anh về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp nối giá trị người Tràng An, xây dựng nét đẹp văn hóa cho đoàn viên, thanh niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.