(HNMO) - 17-4 là ngày thứ hai Hà Nội thực hiện cách ly xã hội đợt 2. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, bên cạnh hầu hết địa phương, người dân triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì tình trạng lơi lỏng, chủ quan đã tái diễn ở một số địa bàn.
Khó giữ khoảng cách 2 m trên đường; rải rác vi phạm ở các quận
Sáng 17-4, mật độ giao thông tại những trục đường hướng vào trung tâm thành phố và đường vành đai như: Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Giải Phóng… rất đông đúc. Chính vì thế, tại các nút có đèn tín hiệu giao thông, người tham gia giao thông đều đeo khẩu trang, nhưng khó giữ khoảng cách 2m.
Khảo sát địa bàn một số quận, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, lực lượng chức năng ở cơ sở vẫn tuần tra khép kín địa bàn, nhưng không vì thế mà vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 không xuất hiện.
Tại quận Ba Đình, đường Yên Phụ, làn đường vốn dành cho xe buýt nhiều ngày nay trở thành nơi tập thể dục; quán cà phê Giảng số 106 đường Yên Phụ (phường Nguyễn Trung Trực) vẫn mở cửa; khu vực cổng chợ Long Biên (địa bàn phường Phúc Xá) vẫn tập trung nhiều xe ôm hay như hai cửa hàng văn phòng phẩm tại số 601 và 605 Kim Mã (phường Ngọc Khánh) vẫn hoạt động...
Tại quận Tây Hồ, vẫn có lác đác người dân tập thể dục quanh khu hồ Tây dù lực lượng chốt trực luôn nhắc nhở, đặt rào chắn; cuối ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ), một số người vẫn tụ tập uống trà đá; trước cửa số nhà 109A Thụy Khuê (phường Thụy Khuê) và 370 Hoàng Hoa Thám (phường Bưởi), chợ “cóc” vẫn họp; tại số nhà 360 đường Lạc Long Quân (phường Xuân La), cửa hàng rửa xe ô tô vẫn phục vụ khách.
Trong khi đó, trên địa bàn quận Cầu Giấy, cửa hàng kinh doanh hoa tươi ở 19 Trung Hòa (phường Trung Hòa) đã được Báo Hànộimới phản ánh ngày 13-4, hôm nay hoạt động bình thường.
Tại quận Hà Đông, cửa hàng bán quần áo ở 159 đường 70, tổ dân phố 14, phường Kiến Hưng ngang nhiên mở cửa từ sáng sớm. Gần đó, quán phở bò Nam Định cũng "mở một nửa", sẵn sàng đón khách. Cũng tại khu vực tổ dân phố 4, phường Kiến Hưng, chợ "cóc" họp ngay trên vỉa hè đường 70, đoạn từ ngõ 92 đến ngõ 94.
Những hiện tượng nêu trên cũng xuất hiện tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân. Đáng chú ý, vi phạm quy định ngừng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu và yêu cầu cách ly xã hội ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm khá nhiều.
Một số hình ảnh được phóng viên ghi lại:
Hình ảnh vi phạm tại quận Ba Đình và quận Tây Hồ:
Ngoại thành: Nơi nghiêm túc, chỗ lơ là
Tại huyện Đông Anh, về cơ bản, người dân vẫn thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang và hạn chế tối đa ra đường, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trường hợp vi phạm: Tại một cửa hàng cây cảnh trên đường Cao Lỗ, nhân viên vẫn bán hàng; khu vực chợ Tó sáng 17-4, tấp nập người mua bán, không giữ khoảng cách an toàn 2m theo khuyến cáo của Bộ Y tế, một số người đeo khẩu trang kiểu “nửa kín nửa hở”.
Việc người dân chưa tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m cũng diễn ra tại một số địa điểm ở huyện Gia Lâm, đặc biệt là các khu chợ. Trong khi đó, có những cửa hàng không phải dịch vụ thiết yếu vẫn mở cửa đón khách.
Tại địa bàn huyện Thanh Oai, mấy ngày trước, qua phản ánh của báo chí, nhiều chợ dân sinh thuộc một số xã có tình trạng người dân chưa thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch thì nay, chính quyền địa phương đã siết chặt quản lý. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới sáng 17-4 trên địa bàn huyện Thanh Oai cho thấy: Các trục đường chính trên địa bàn huyện đều duy trì chốt kiểm tra; các cửa hàng không thiết yếu liền với nhà ở chỉ mở cửa đủ cho người ra/vào, không bán hàng; chợ dân sinh xã Thanh Cao khá vắng, người bán và người mua đều tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Tại huyện Thanh Trì, có mặt tại thôn Cương Ngô (xã Tứ Hiệp) vào lúc 10h, phóng viên ghi nhận, cơ bản người dân chấp hành các quy định, các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa. Bà Phạm Thị Vân ở thôn Cương Ngô cho biết: "Gia đình tôi mở nhà hàng bia hơi, trung bình mỗi ngày phục vụ vài trăm khách. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thực hiện yêu cầu của Chính phủ, thành phố, huyện và xã, nhà hàng đã đóng cửa được hơn 20 ngày".
Tại huyện Thạch Thất, theo ông Phí Mạnh Thu, trực tại chốt kiểm dịch xã Hương Ngải, người dân trên địa bàn xã tuân thủ khá tốt, hạn chế ra đường và đều đeo khẩu trang. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, các chốt kiểm dịch trên địa bàn xã đều yêu cầu người dân khai báo y tế, sát trùng trước khi ra, vào xã…
Nhìn chung, tại khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều nơi thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng vẫn còn tình trạng chủ quan hoặc cố tình vi phạm quy định.
Tại khu vực chợ Gồ, nằm trên địa bàn xã Yên Sơn và xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) lúc 9h, người dân đi lại trên đường rất ít và đều chấp hành đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một số cửa hàng không thiết yếu vẫn mở cửa mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát để xử phạt các trường hợp vi phạm này.
Tương tự, tại chốt kiểm dịch xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất), lực lượng chức năng hoạt động rất nghiêm túc, kiểm soát chặt người ra/vào xã, khai báo y tế… Tuy nhiên, cách chốt kiểm dịch khoảng hơn 300m, tại khu vực ngã tư chợ Dị Nậu, nhiều chủ hàng quán kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn thản nhiên mở cửa, bày hàng hóa tràn ra vỉa hè.
Còn tại thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) vào lúc 9h, rất nhiều ngõ phố không một bóng người qua lại. Song, khi di chuyển đến xã Tiên Dược, phóng viên ghi nhận một số hàng quán không thiết yếu đang mở cửa, như: Cửa hàng thiết bị vệ sinh, thời trang, hoa cây cảnh. Thậm chí, nhiều người dân ra đường nhưng không đeo khẩu trang, song không thấy lực lượng chức năng của xã xử lý các vi phạm này.
Tình trạng này cũng diễn ra ở huyện Thường Tín. Mặc dù huyện đang tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch do ở địa bàn xã Dũng Tiến có bệnh nhân số 266 dương tính với SARS-CoV-2, nhưng tâm lý chủ quan vẫn xuất hiện ở nhiều người dân: Dọc tuyến quốc lộ 1A cũ - đoạn từ thị trấn Thường Tín đến gần địa phận huyện Phú Xuyên, cứ 3-5m lại có 4-5 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa. Cụ thể: Cửa hàng máy tính Hồng Anh (số nhà 44 - phố Tía); cửa hàng vi tính Xuân Hòa, điện thoại NOKIA Khánh Linh (phố Quán Chè, xã Thắng Lợi); số nhà 36 và 38 phố Tía có nhiều người dân tụ tập nói chuyện (khoảng cách dưới 2m) nhưng không đeo khẩu trang… Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các khu vực này không có chốt kiểm soát và không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử phạt vi phạm.
Tại huyện Chương Mỹ, nhiều cửa hàng giày dép, thời trang đóng cửa hờ để kinh doanh. Hiện tượng này xảy ra chỉ cách trụ sở UBND huyện Chương Mỹ vài chục mét. Hai bên quốc lộ 6A đoạn qua thị trấn Chúc Sơn, nhiều hộ kinh doanh sắt, thép, nhôm kính, thiết bị điện… tuy hạ cửa nhưng kinh doanh bình thường. Tại trung tâm chuyển phát nhanh của Giaohangtietkiem ngay mặt quốc lộ, nhân viên tập trung rất đông đúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.