Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp đà tăng trưởng

Hồng Sơn| 01/02/2011 08:23

(HNM) - Nền kinh tế trong tháng đầu tiên của năm kế hoạch 2011 tiếp tục đà tăng trưởng và được đánh giá là sự kế thừa ngoạn mục của sự phục hồi mạnh mẽ từ năm 2010. Nhiều chỉ số thống kê đã minh chứng thực tế đó và hứa hẹn bức tranh kinh tế sáng sủa cho cả năm nay…


Nền kinh tế đang căng sức


Thủ đô Hà Nội trên đà phát triển. Ảnh: Huy Hùng


Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1-2011 đạt 73,7 ngàn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng công nghiệp một khi đạt mức 16% là "ổn" và cho thấy nền kinh tế đang căng sức, theo biểu đồ đi lên khả quan. Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung là khí hóa lỏng tăng 36,2%; lốp ô tô, máy kéo tăng 26,8%; kính thủy tinh tăng 20,7%; xi măng tăng 18,9%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 17,2%... Một số sản phẩm có mức tăng khá là thép tròn, sữa bột, điện sản xuất, xe máy, quần áo người lớn.

Đáng chú ý là chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1 có xu hướng gia tăng, kéo theo sự thuyên giảm về tỷ lệ hàng tồn kho tại DN. Chỉ số tồn kho đang giảm khá nhanh so với cùng kỳ ở một số ngành hàng quan trọng: thuốc lá đầu lọc, bia, xà phòng tắm, cà phê bột, giày, dép, ủng giả da. Nhìn chung sản xuất công nghiệp vẫn giữ được phong độ như dịp cuối năm 2010 và mang lại hiệu ứng lành mạnh trên nhiều mặt. DN có nguồn thu và đóng góp ngân sách, giữ vững số lượng nhân công hoặc thu hút thêm lao động. Theo kết quả điều tra về lao động tại hơn 4 ngàn DN sản xuất công nghiệp, số lao động tháng 1-2011 ở các đơn vị trên tăng 0,7% so với tháng trước. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, số lao động trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5%; ngành khai thác tăng 0,2%; ngành điện, nước tăng 4,3%.

Song thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tháng 1-2011 với số vốn mới đăng ký đạt 187,6 triệu USD, chỉ bằng 15,7% cùng kỳ. Kết quả giải ngân của khu vực này lại rất tích cực, đạt 420 triệu USD, tăng 5%. Điều này cho thấy nhà đầu tư đã nỗ lực triển khai để hoàn thiện và đưa dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động, thể hiện sức sống của môi trường kinh doanh ở Việt Nam và quyết tâm của giới đầu tư.

Thương mại dịch vụ tăng cao

Tháng 1 là tháng chuyển tiếp để cả nước bước vào dịp lễ Tết với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, có tác động sâu rộng đến thị trường. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 150 ngàn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong đó kinh doanh thương nghiệp đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1%; khối khách sạn, nhà hàng đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%; dịch vụ đạt 13,6 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6%; du lịch đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,74% so với tháng trước, tuy là mức tăng cao nhưng đã giảm so với hai tháng trước đó (tháng 11-2010 tăng 1,86%, tháng 12-2010 tăng 1,98%). Dư luận đang kỳ vọng xu hướng giảm này sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay đạt 6 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu tăng khá, như hàng dệt may đạt 900 triệu USD, tăng 10,6%; thủy sản đạt 400 triệu USD, tăng 30%; điện tử, máy tính đạt 300 triệu USD, tăng 28,4%; cao su đạt 337 triệu USD, tăng 145,8%...

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành và DN khai thác tốt tiềm năng, tận dụng cơ hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Trước hết, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan trọng nhất là tái cơ cấu hệ thống DN, chú trọng vào DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra chất lượng tăng trưởng cao hơn. Duy trì tỷ giá và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý trên cơ sở tuân thủ các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; thực hiện nghiêm việc niêm yết và mua bán ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, chủ động tạo điều kiện cho sự lành mạnh hóa cán cân thương mại. Theo đó, rà soát kỹ khả năng từng mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Bộ Công thương và các ngành xây dựng đề án xuất khẩu cụ thể đối với từng nhóm mặt hàng và từng thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời kiểm soát và điều tiết kịp thời việc cho vay vốn nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, hàng xa xỉ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.