(HNM) - Mặc dù nguồn vốn dồi dào nhưng việc người dân không dễ tiếp cận vẫn là thực tế không thể phủ nhận.
Tính đến ngày 30-9-2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đã đạt gần 80 nghìn tỷ đồng. Là một trong những huyện triển khai tốt chương trình này, ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: 5 năm qua, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đạt gần 13.000 tỷ đồng, đã giúp địa phương hình thành ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 41 về tín dụng cho khu vực "tam nông" vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập: Các chủ trang trại có nhu cầu vay nhưng không thể tiếp cận vốn vay do chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại. Hộ sản xuất, kinh doanh không được vay vốn phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh do không có đủ tài sản bảo đảm tiền vay. Mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, trong khi chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp thấp...
Nông dân phát triển kinh tế trang trại vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn vay vốn với số lượng lớn. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nhận định: Không phải ngân hàng nào cũng nhiệt tình phối hợp với các tổ chức hội để tín chấp nhanh gọn cho nông dân vay vốn. Một số ngân hàng chưa mạnh dạn đầu tư, phối hợp với các tổ chức hội để đưa vốn tới bà con nông dân. Hoạt động của nhiều tổ vay vốn còn yếu, lúng túng, thiếu chủ động trong quá trình thực hiện. Sự phối hợp giữa chi hội, tổ vay vốn với ngân hàng còn chưa đồng bộ, có nơi giải ngân tốt, nhưng buông lỏng khâu kiểm tra, thu nợ, xử lý nợ quá hạn. Còn không ít chính quyền địa phương chưa thực sự tạo điều kiện giúp ngân hàng, các tổ chức hội trong việc cho vay, thu nợ và xử lý nợ khó đòi… Đây là những rào cản để đồng vốn chưa thực sự được khơi thông rộng rãi ở khu vực nông thôn dù khá dồi dào.
Mới đây, Nghị định 55 của Chính phủ ra đời, thay thế, bổ sung cho Nghị định 41. Theo đó, hạn mức cho vay tín chấp được nâng lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định cũ. Các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khuyến khích đầu tư mạnh mẽ hơn vào khu vực "tam nông" theo xu hướng mới là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, hộ nông dân và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ chế tín chấp theo Nghị định 55 đã thông thoáng hơn nhưng để thực sự tiếp cận được nguồn vốn và sử dụng vốn hiệu quả, bản thân người nông dân cần có kế hoạch sản xuất gắn với thị trường; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp... Về phía Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh những chính sách mới của Nghị định 55, cần có cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Tất cả ngân hàng thương mại tham gia vào lĩnh vực này sẽ được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp nhất, giúp hiệu suất quay vòng vốn cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.