Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng vọng từ đời sống

Mai Thi| 07/05/2010 06:52

(HNM) - "Tình hình trao giải thưởng văn học, nghệ thuật hiện nay" là báo cáo chuyên đề do Hội Nhà văn thực hiện, trở thành tâm điểm thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương (LLPB VHNT TƯ).

Có thể nói, cùng với một số chuyên đề đi sát với đời sống như "VHNT trên sóng PTTH" do hội đồng tổ chức, đây tiếp tục là một câu chuyện rất đáng nói, cần tiếp tục nói một cách sâu sắc và nghiêm túc.

Lạm phát giải?

Nhận định trên cho thấy hai điều đáng suy nghĩ. Một là bên cạnh dòng giải thưởng chính thống được quy định trong Luật Thi đua - Khen thưởng, trong điều lệ các hội VHNT hiện đang có rất nhiều loại giải thưởng khác dành cho VHNT như giải do liên ngành tổ chức, giải do đơn vị trong nước phối hợp với nước ngoài trao và đặc biệt là giải thưởng xã hội hóa. Hai là chất lượng, uy tín, tiếng vang của các giải thưởng có tương xứng với sự phát triển về số lượng?

Các nghệ sĩ tại lễ trao giải Cánh diều Vàng 2009.

Công bằng mà nói, sự phát triển của các loại giải khác bên cạnh hệ thống giải chính thống như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước… đã tạo một không khí thi đua và sinh hoạt sôi nổi hơn trong đời sống VHNT. Riêng trong lĩnh vực văn học, một loạt giải thưởng xã hội hóa như Lá Trầu, Bách Việt… cũng góp phần "trình làng" những gương mặt, tác phẩm mới. Đó phần nào còn là "phép thử" đối với sự tiếp nhận của công chúng văn học.

Tuy nhiên, số lượng không hẳn là bạn đồng hành với chất lượng. Các giải xã hội hóa luôn phải "cân nhắc" tới yếu tố thị trường; vì vậy những tác phẩm có giá trị "tiềm ẩn" mang ý nghĩa lâu dài nếu bị bỏ qua, hoặc khó đứng được với giải thưởng cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể, vừa qua, một số giải của Hội VHNT địa phương cũng có "trục trặc", ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín chung của hệ thống giải thưởng được coi là có tính chuyên nghiệp cao. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Tình trạng so bó đũa chọn cột cờ là khá phổ biến. Nhiều cuộc thi không có giải nhất, ấn tượng mờ nhạt. Đã thấy những biểu hiện xa lạ, lệch lạc về định hướng trong một số giải thưởng VHNT ở địa phương và một số cuộc thi sáng tác".

Hội đồng và chất lượng giải

Phó TGĐ Đài THVN Trần Đăng Tuấn cho rằng, "nhiều giải nhưng sẽ chỉ có những giải uy tín mới đủ sức đọng lại trong lòng công chúng". Giải uy tín đương nhiên phụ thuộc rất lớn vào độ thẩm định chính xác của Hội đồng Nghệ thuật. Trong đó như nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: "Tác phẩm VHNT là sản phẩm của văn nghệ sĩ, còn giải thưởng là sản phẩm của Hội đồng Nghệ thuật. Hội đồng nào thì có giải thưởng ấy".

Nhưng tìm kiếm một hội đồng uy tín cho dù là mong muốn nghiêm túc đi nữa thì, theo như chia sẻ của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim cũng rất khó khăn, mỗi lần tập hợp Ban giám khảo cho Giải thưởng Điện ảnh của hội là một lần đau đầu. Ngoài việc thu xếp thời gian, thì các nghệ sĩ ngại hơn cả là trách nhiệm "người cầm cân, nảy mực"; thậm chí là "nguy cơ" đối diện trước dư luận… Chưa kể, nếu đời sống VHNT không có những tác phẩm "ra trò" thì hội đồng uy tín đến mấy cũng không có gì mà "xét" mà "trao" giải.

Phó TGĐ Đài THVN Trần Đăng Tuấn cho rằng: "Điều có thể làm ngay được là xây dựng những tiêu chí rõ ràng, thống nhất để hội đồng căn cứ xét giải". Thực tế, ngay cả Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có tình trạng "tiêu chí có lúc thiếu nhất quán; quy chế lạc hậu, năm sau mới xét tác phẩm năm trước nên để lọt tác phẩm sang giải thưởng khác".

Tiếng vọng từ đời sống

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao giá trị của giải thưởng, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm. Đó là nguyện vọng chính đáng. Việc giá trị các giải thưởng chính thống, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh được nâng lên gần đây rõ ràng đã nhận được sự ủng hộ của văn nghệ sĩ và cả công chúng. Tuy nhiên, phải thấy rằng giá trị vật chất đi kèm với giải thưởng dù cao thì vẫn có giới hạn. Một khía cạnh khác của giá trị giải thưởng còn ít được xem xét ấy là hiệu quả từ phản hồi tích cực của đời sống. Nhà văn Bùi Bình Thi từng nói: Giải Oscar lừng danh thế mà phần thưởng chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng giá trị mang lại sau đó cho người đoạt giải từ phát hành, quảng bá thì thật khổng lồ.

Vậy, phải chăng điều cốt lõi của giá trị giải thưởng chính là uy tín của giải với xã hội?

Ngay sau khi giải Oscar 2010 được công bố, ở Việt Nam đã có ngay đĩa VCD về bộ phim "ẵm" tượng vàng. Nhưng liệu có mấy công chúng đi tìm đĩa phim đoạt giải thưởng điện ảnh của ta? Trong văn học cũng vậy, một tác phẩm rủ rỉ, quyến rũ về đời sống người miền núi trong "Ngôi nhà xưa bên suối" của Cao Duy Sơn từng đoạt giải trong nước và quốc tế sao cứ nằm im ắng trên giá sách, ít được công chúng biết tới. Ở đây, có cả vấn đề trong cách thức tổ chức và trao giải mà theo nhiều ủy viên Hội đồng LLPB VHNT TƯ là "đã cũ lắm rồi". Không phải ngẫu nhiên mà các sách dịch thế giới khi đoạt giải được in ở Việt Nam đều mang một "tờ áo" ngoài bìa giới thiệu về giải thưởng. Đó là một cách thể hiện sự khác biệt, sự tôn trọng và cả sự nhạy bén thị trường đối với một tác phẩm văn học có giải.

Như vậy, đổi mới cách thức tổ chức, trao giải không chỉ nâng cao chất lượng giải mà thực chất là đưa giải đến gần với đời sống (trong phạm vi chủ quan có thể). Tác phẩm đoạt giải khi đó mới có ý nghĩa nào đó nhằm "khẳng định, tôn vinh các giá trị; định hướng sáng tác và khuyến khích phong trào" như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng vọng từ đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.