(HNM) - Cứ đến 19h30 hằng ngày, những lời thơ mộc mạc nhưng vô cùng ý nghĩa của Bác Hồ kính yêu lại vang lên trên loa truyền thanh báo hiệu giờ học buổi tối của các em học sinh ở xã Mai Đình...
"Tiếng trống" của tình thương và trách nhiệm
Về thăm ngôi trường THCS Mai Đình giữa lúc tiếng ve gọi hè đã vang lên. Trong một lớp học, một nhóm học sinh đang chăm chú luyện tập tiết mục văn nghệ phục vụ lễ bế giảng năm học với bài hát "Mái trường mến yêu" của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng: "...Bao hàng cây xanh thắm dưới mái trường mến yêu/ Có loài chim đang hót âm thầm tựa như nói/ Vì hạnh phúc tuổi thơ và cho đời thêm sức sống/ Thầy dìu dắt chúng em với tấm lòng thiết tha...". Em Nguyễn Thị Tâm Lương, học sinh lớp 8-A1 nhanh nhảu đáp lời chúng tôi: "Bài hát "Mái trường mến yêu" đã gắn bó với chúng em mỗi ngày. Nhờ có bài hát mà việc học tập của chúng em đã đi vào nền nếp". Các em tiết lộ, đây là bài hát được Đài Truyền thanh xã Mai Đình phát mỗi tối trước khi "Tiếng trống học tập" vang lên.
Học sinh Trường THCS Mai Đình tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đỗ Chí |
Để hiểu rõ hơn về "Tiếng trống học tập", chúng tôi theo chân Lương về thăm gia đình em ở thôn Thế Trạch. Ấn tượng đầu tiên là góc học tập gọn gàng, ngăn nắp. Anh Nguyễn Văn Bảy, công an viên xã Mai Đình, bố của Lương, chia sẻ: "Từ ngày có "Tiếng trống học tập", việc học của các cháu đã đi vào nền nếp, cứ 7h30 tối là các cháu ngồi vào bàn học, đến 10 giờ thì kết thúc. Chúng tôi không phải nhắc nhở như trước đây nữa". Nhiều người dân, đội ngũ giáo viên và cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đều đánh giá tích cực về "Tiếng trống học tập" và ví đây như một "cuộc cách mạng" về nhận thức trong chuyện học tập của thế hệ trẻ và phụ huynh. Anh Bảy cho biết, từ ngày triển khai mô hình, các thầy cô giáo, lãnh đạo thôn thường xuyên đến kiểm tra đột xuất. Nhờ vậy, gia đình cũng chú ý việc học của các cháu thường xuyên hơn, đặc biệt là chúng tôi đã tạo một không gian yên tĩnh, hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ bên ngoài.
Mô hình "Tiếng trống học tập" đã gây được lòng tin trong nhân dân, tạo tiếng vang lớn ở huyện Sóc Sơn, là cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường. Bây giờ, cứ đến giờ học tập của con em mình, phụ huynh ở xã Mai Đình đã có thói quen không mở đài, không xem tivi, không nói chuyện to. Với gia đình chị Nguyễn Thị Chi, thôn Thế Trạch thì "Tiếng trống học tập" có ý nghĩa vô cùng lớn, vừa nâng cao ý thức học tập của các cháu, gia đình cũng thấy trách nhiệm hơn. Hai cô con gái của chị Chi chăm ngoan, học giỏi. Nguyễn Thị Xuân Cúc đang học lớp 6-A1 Trường THCS Mai Đình và Nguyễn Khánh Linh, học lớp 4, Trường Tiểu học Mai Đình A, đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Điều đáng mừng với đa số phụ huynh ở Mai Đình là "Tiếng trống học tập" vẫn được duy trì đều đặn trong cả dịp hè. Điều này rất quan trọng vì học sinh vẫn giữ được thói quen học tập khi đã nghỉ học ở nhà trường.
Việc làm trách nhiệm vì thế hệ trẻ
Mai Đình là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn. Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình Trần Văn Mùi cho biết, "Tiếng trống học tập" chính là một "sản phẩm" trong quá trình xây dựng NTM. Được thực hiện từ tháng 3-2011, với việc làm điểm ở thôn Thế Trạch và Mai Nội. Bước sang năm học 2011-2012 đã nhân rộng ra cả 15 thôn trong xã. Theo ông Trần Văn Mùi: "Thời gian đầu, chúng tôi thành lập Ban Chỉ đạo xã hội học tập, phân công các thành viên là lãnh đạo chính quyền xã, thôn, các hội đoàn thể và các thầy cô giáo trong các nhà trường tiểu học và trung học cơ sở. Ở cấp thôn, xã đã thành lập 15 tiểu ban ở 15 thôn và mỗi tiểu ban chia thành các tổ tự quản từ 3 đến 5 người, gồm lãnh đạo thôn và thầy cô giáo để kiểm tra đột xuất đến tận gia đình mỗi tuần từ 2 đến 3 lần.
Hiệu trưởng Trường THCS Mai Đình Khương Thị Hằng mới về trường công tác được 4 năm nhưng với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm vì công việc, kể từ khi mô hình "Tiếng trống học tập" triển khai, cô đã cùng đội ngũ giáo viên nhà trường không quản ngại khó khăn, ngày đêm phối hợp với chính quyền địa phương đến từng gia đình để kiểm tra, khuyên răn học sinh. Cô tâm sự: "Vì tình yêu học trò, nhiều giáo viên trong nhà trường ở những địa phương khác, cách xã Mai Đình đến 10km nhưng vẫn tham gia đầy đủ, đúng giờ. Có giáo viên nữ ban đầu gặp không ít khó khăn bởi đi tối, về khuya (từ 10h đến 11h đêm). Thế nhưng, bằng trách nhiệm với học sinh, các thầy cô giáo cùng Ban giám hiệu nhà trường đã kiên trì giải thích, thuyết phục để người nhà hiểu và thông cảm. Về phía nhà trường, chúng tôi đã sắp xếp từ 2 đến 3 giáo viên đi cùng nhau để bảo đảm an toàn". Cô Lê Thơm, giáo viên ngoại ngữ, nhà ở xã Phù Linh (cách xã Mai Đình 10km) bộc bạch: "Ban đầu, bố mẹ chồng tôi cũng phản ứng vì lo con dâu đi đêm về hôm không an toàn. Ban giám hiệu cùng vợ chồng tôi đã động viên, giải thích và cuối cùng gia đình đã vui vẻ đồng ý".
Ngoài việc hướng dẫn, kiểm tra học sinh học bài, các tiểu ban khi đi kiểm tra còn làm nhiệm vụ tư vấn cho các gia đình xây dựng góc học tập. Theo Phó Chủ tịch Trần Văn Mùi, trong quá trình kiểm tra, Ban chỉ đạo nhận thấy nhiều học sinh không có góc học tập, phải ngồi ôn bài, làm bài tại bàn uống nước, thậm chí nhiều học sinh phải học trên giường. Trước tình hình này, ban giám hiệu các nhà trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh đã mua bàn ghế mới tặng cho các em học sinh gia đình khó khăn, chưa sắp xếp được góc học tập riêng.
Mô hình "Tiếng trống học tập" đã giúp kết quả học tập của học sinh các cấp học ở Mai Đình được nâng lên rõ rệt. Ở cấp THCS năm học 2009-2010, tỷ lệ học sinh giỏi chỉ đạt 11,3% thì đến nay đã tăng lên hơn 23%; hạnh kiểm tốt năm học 2009-2010 là 22,6% thì đến nay tăng lên khoảng 60%. Đáng chú ý nhất là thứ bậc của trường trong hệ thống trường THCS của huyện Sóc Sơn được nâng lên tới 10 bậc, từ chỗ xếp thứ 21/27, nay đã tăng lên 11/27. Số học sinh trúng tuyển đại học hệ chính quy cũng tăng từ 18 lên 37 học sinh một năm. Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo xã hội học tập xã Mai Đình, trước khi triển khai mô hình này, ở xã Mai Đình, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ học sinh trúng tuyển cấp THPT, đại học còn thấp. Sau 2 năm thực hiện mô hình "Tiếng trống học tập", những tồn tại này đã được giải quyết căn bản.
Trong bối cảnh đô thị hóa đang len lỏi ở nông thôn, các dịch vụ như quán karaoke, internet mọc lên ở khắp nơi, thậm chí, nhiều gia đình không có điều kiện để quản lý, nhắc nhở nên hầu như việc học của con cái đều "khoán trắng" cho nhà trường, xã hội. Vì vậy, cách làm sáng tạo và trách nhiệm ở xã Mai Đình đã giúp địa phương này giải quyết tốt những vấn đề xã hội đang đặt ra, đồng thời đưa phong trào học tập của địa phương đi lên. Đây là việc làm rất tốt và phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay và có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.