Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tiếng quê hương”

Bài và ảnh: Hà Minh Luân| 28/01/2013 06:40

(HNM) - Có mặt ở TP Hồ Chí Minh, luật sư Đinh Viết Tứ phấn khởi báo tin, năm nay ông về nước sớm hơn dự định để đón tết cổ truyền dân tộc cùng bạn bè, người thân...


Luật sư Đinh Viết Tứ sang Mỹ định cư cùng gia đình vào năm 1992, khi vừa bước sang tuổi 50. Tạm gác những kỷ niệm bên xứ người, luật sư Đinh Viết Tứ chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng dẫn đến quyết định táo bạo của ông về việc mua kênh sóng để thành lập một đài Việt ngữ trên đất Mỹ, lấy tên gọi: "Tiếng vọng quê hương", sau đổi thành "Tiếng quê hương".


Khi đặt chân tới Mỹ, ông đã trăn trở về đời sống thông tin của kiều bào ở hải ngoại, vì lúc này sử dụng internet còn hạn chế. Qua tìm hiểu, ông Tứ nhận thấy đa số kiều bào tìm kiếm thông tin từ Việt Nam, qua các tờ báo Việt ngữ ở Mỹ, vốn chịu ảnh hưởng của nhiều đường lối khác nhau, cũng như tính khách quan mờ mịt, khó phân định. Năm 1996, sau những nỗ lực kinh doanh của mình, ông Tứ kêu gọi thêm sự giúp đỡ của một số bạn bè, đồng nghiệp để mua một kênh sóng phát thanh, đặt tên là "Tiếng vọng quê hương".

Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, ông Tứ cùng các cộng sự bắt đầu thu âm và phát đi các chương trình đầu tiên. Trong đó, bài bình luận đầu tiên có tiêu đề là "Con ngáo ộp", với ngụ ý châm biếm việc tuyên truyền sai lệch về đất nước của một số cộng đoàn cực đoan ở hải ngoại, giống như con ngáo ộp. Bài bình luận đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở California. "Nhưng anh biết đấy, những hội đoàn bên đó còn quan điểm tiêu cực nhiều lắm, chưa muốn nghe ngay đâu. Nhiều đối tượng giấu tên gọi đến đài dọa sẽ kéo đến biểu tình nơi chúng tôi làm việc. Có người còn đưa dân biểu địa phương đến điều tra xem chúng tôi có nhận tiền ở trong nước không, nhưng rõ ràng không có gì".

Thời gian sau đó, đài tiếp tục gặp khó khăn khi người phụ trách kỹ thuật bị ốm, các chương trình buộc phải tạm ngưng sau gần một năm hoạt động. Không để đài chìm vào quên lãng, năm 2003, luật sư Đinh Viết Tứ gặp Nhà sư Thích Pháp Châu, và được nhà sư giúp đỡ kinh phí mở một website, lấy tên là "Tiếng quê hương", sau đó thu âm các chương trình để đưa lên internet. Ban đầu, chương trình phát sóng đều đặn vào các ngày thứ ba, năm, bảy và chủ nhật, với thời lượng 2 tiếng/chương trình. Sau đó, chương trình mở rộng thêm bình luận các sự kiện thời sự trong nước dưới góc nhìn khách quan, trung thực. Để chương trình đến được với nhiều kiều bào, ông Tứ cùng các cộng sự tổ chức thu đĩa DVD (gọi tên là V.life), với số lượng 3.000 đĩa, sau đó tăng lên 16.000 đĩa. Ông trực tiếp đảm nhiệm biên tập nội dung đưa vào đĩa, trong đó có một số nội dung được cả kiều bào ở Mỹ, cũng như đồng bào trong nước biết đến là phần tường thuật trực tiếp chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Sau các hoạt động này, V.life và "Tiếng quê hương" nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào và du học sinh ở California và ở Canada. Họ gửi thư về chúc mừng, trong đó có những thư viết tay rất xúc động. Ông Tứ kể, có một bà cụ đến gặp ông, hỏi "ông là ông Tứ phải không, tôi phải cám ơn ông, nghe ông nói về quê hương sao tôi thấy mát ruột quá". Sau đó bà nhất định đề nghị ông nhận 50 USD ủng hộ chương trình.

Với niềm tin và sự động viên từ những người yêu chuộng hòa bình trong cộng đồng kiều bào ở hải ngoại, luật sư Đinh Viết Tứ, cùng "Tiếng quê hương" tiếp tục đến với cộng đồng cho đến hôm nay, dù chịu không ít áp lực từ các cộng đoàn cực đoan. "Dù vậy, tôi tin xu hướng của thời đại trong tương lai là đối thoại, hòa giải, hòa hợp dân tộc. Do đó, tôi tin công việc của tôi sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho giới trẻ, tiếp tục tiếng nói khách quan và hướng về nguồn cội", ông Tứ xúc động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếng quê hương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.