Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng khóc chim trời

Nguyễn Mai| 23/10/2011 07:45

(HNM) - Tháng mười. Khi những ruộng lúa chín vàng và mùa gặt rộn rã khắp làng quê… -  cũng là lúc chim trời con nào con nấy béo tròn nung núc, sinh sôi, làm tổ. Thế nhưng, quy luật đó đang bị thay đổi. Khi chim trời trở thành món ăn khoái khẩu của các

Sau nhiều lần liên lạc, làm quen, chúng tôi được vợ chồng chị Phương, anh Sơn, làng An Đà, xã An Tiến (Mỹ Đức), một "thợ" có thâm niên săn bắt gà đồng hơn 5 năm nay cho đi theo để "mục sở thị".

Hà Nội đang chuyển tiết từ mùa thu sang mùa đông. Mới 17 giờ mà trời đã nhá nhem tối, đây là thời điểm săn gà đồng lý tưởng nhất. Trên cánh đồng làng An Đà, cánh "thợ săn" nhanh chóng bày biện "đồ nghề", một tấm lưới lớn được dựng lên bởi 2 chiếc cột, đài cát-sét phát tiếng chim được mở to để dụ chim đến. Anh Sơn giải thích rằng đây là cách săn hiệu quả nhất của các "thợ" săn chuyên nghiệp đúc rút. Theo phản xạ tự nhiên, khi chim, gà, cuốc… đi ăn đêm, tìm bạn, nghe tiếng gọi của đồng loại sẽ sà xuống, dính chân vào lưới, lúc này người bẫy nấp gần đó chỉ việc khép lưới lại và gỡ chim, cho vào lồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sơn trải lòng về những bí quyết nhà nghề: "Muốn săn chim sẻ, chim ngói thì săn vào ban ngày, còn săn gà đồng, cuốc, giẽ, cò vạc… thì nhất quyết phải là vào buổi tối". Mùa săn bắt gà đồng thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, thời gian này đối với những thợ săn chim chuyên nghiệp thì cánh đồng chính là giường. Cứ thế, họ rời nhà từ khoảng 16 giờ, mang theo đài, lưới… rong ruổi trên khắp cánh đồng trong vùng tìm vị trí đặt lưới, đến tờ mờ sáng hôm sau mới đem chim về. Theo kinh nghiệm của anh Sơn, càng vào những ngày mưa thì càng nhiều gà đồng, bởi vậy mà mưa gió nhưng chẳng ngày nào anh nghỉ. "Trung bình mỗi đêm, tôi bắt 7-8 con, cũng có lần "gặt hái" được 20 con, bán được hơn một triệu - anh Sơn cười.

Không riêng gì ở An Tiến, nhiều xã thuộc huyện Mỹ Đức như: Hợp Thanh, Hợp Tiến, Tuy Lai… đều có "thợ" săn chim thiên nhiên. Theo anh Đinh Công Thụy, cán bộ xã Tuy Lai, sau những vụ gặt, xã có 3-4 hộ hành nghề săn bắt chim ở cánh đồng làng; còn riêng chim sẻ thì đánh quanh năm mùa nào cũng có. Với giá bán buôn cho các "lái": cò: 30 nghìn đồng/con; cuốc, gà đồng: 60 nghìn đồng; chim ngói: 50 nghìn đồng, chim sẻ: 5 nghìn đồng... có ngày, người đi săn thu được 500-600 nghìn đồng. Không chỉ săn bắt các loài chim thông thường, nhiều cánh thợ còn lui tới khu vực hồ Tuy Lai để bắn các loại chim quý như sâm cầm. Đây là loài chim quý di cư từ phương Bắc về nước ta và chỉ có trong những tháng mùa đông, người dân vẫn truyền tai nhau đây là một vị thuốc cực kỳ bổ dưỡng nên bắn được một con sâm cầm còn sống, bán được từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng. Đây là nguồn thu tương đối lớn của nông dân trong những ngày nông nhàn.

Ông Phạm Văn Tha, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, cho biết, một tuần nay, xã Liên Bạt vào vụ gặt, chim chích, chim sẻ rất nhiều, cò vạc thi thoảng vẫn có ở các vùng đồng Đồng Sóc, Bặt Chùa, Bặt Ngõ. Chim trời được săn bắt ngang nhiên mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Việc săn bắt chim thiên nhiên mặc dù mang lại lợi ích cho một số hộ dân nhưng với đà săn bắt như vậy sẽ là nguy cơ tuyệt chủng của không ít loài chim. Bên cạnh đó, nó còn đồng nghĩa với việc phá hủy môi trường sống, làm mất cân bằng sinh thái. Chim ít đi sẽ làm các loài thiên địch như sâu bọ, cào cào, châu chấu… ngày càng nhiều phá hoại mùa màng… Người dân có muốn nhắc nhở cũng khó vì họ thường đi đánh vào ban đêm, nay đồng này, mai đồng khác rất khó phát hiện. Hiện trạng này đang rất cần sự can thiệp của chính quyền các địa phương để bảo vệ các loài chim thiên nhiên khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng khóc chim trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.