Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng ca cảm thông với người phụ nữ

Lâm Đại| 13/10/2011 07:29

(HNM) - Câu chuyện lịch sử về Công chúa Huyền Trân làm vợ Vua Chiêm Thành đã được cảm tác trong nhiều tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết "Công chúa Huyền Trân" của nhà văn Hoàng Quốc Hải, "Duyên kiếp Bạch Trà" vừa là một vở mang tính lịch sử, đồng thời cũng là tiếng hát nhân ái, cảm thông với những người phụ nữ. Lấy bối cảnh năm 1306, Vua Trần Anh Tông gả em gái là Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành đổi lấy hai châu Ô, Rý, nhưng vở diễn không khai thác khía cạnh binh biến, các vấn đề chính trị, mà nhìn từ góc độ một người phụ nữ, với duyên kiếp và thân phận mang tính lịch sử.

Cảnh trong vở cải lương “Duyên kiếp Bạch Trà”.


"Có những vấn đề của người phụ nữ phải được giải quyết bằng quốc gia. Có những vấn đề của quốc gia phải được giải quyết bằng người phụ nữ". "Duyên kiếp Bạch Trà" được bắt đầu bằng hai câu nói khái quát, ấn tượng ấy. Huyền Trân là công chúa Đại Việt, đẹp người đẹp nết lại thông minh sắc sảo. Khắp nơi nơi đều yêu mến và gọi nàng là công chúa Bạch Trà. Nàng đã có lời thề nguyện thủy chung với tướng quân Trần Khắc Chung. Nhưng để đổi lấy tình bang giao với nước Chiêm, chống sự xâm lấn của quân Nguyên và giữ bình yên cho Đại Việt, Bạch Trà quyết sang Chiêm Thành làm vợ vua Chiêm là Chế Mân. Bằng sự thông minh, sắc sảo của mình, nàng học hòa hợp với văn hóa Chăm và nhanh chóng được vua Chiêm yêu mến chọn làm hoàng hậu. Trớ trêu thay, Pansi - cô gái mạnh mẽ mà si tình, con của Tể tướng Bố Đề - đã đem lòng yêu Chế Mân. Còn tể tướng rắp tâm hại Chế Mân để cướp ngai vàng. Mặc dù Chế Mân trước khi chết để lại di thư cho Huyền Trân về nước, nhưng công chúa vẫn quyết định theo chồng theo tục lệ nước Chiêm: vua chết thì cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng.

Trong xu hướng "kịch hóa sân khấu", khi mà các lời thoại luôn chiếm ưu thế trong các vở chèo, cải lương… thì "Duyên kiếp Bạch Trà" làm thỏa mãn người yêu mến bằng những lời ca và cổ nhạc. Nghệ sĩ trẻ Thiên Hương vào vai nữ chính Bạch Trà nổi bật với giọng ca cải lương ngọt ngào và nhiều cảm xúc, tuy rằng cô diễn xuất chưa được nhuần nhuyễn. Trong khi đó, nghệ sĩ Trần Hà vào vai Tể tướng Bố Đề rất đạt. Từ giọng nói, lời hát, điệu chỉ tay hay bước chân đặc trưng của sân khấu cải lương, cho tới cái thần thái vị tể tướng, Trần Hà đều hoàn thành khiến người xem thêm căm phẫn tên quan hiểm ác, tàn nhẫn.

Trong "Duyên kiếp Bạch Trà", đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai xử lý khéo léo nhiều tình huống sân khấu. Mỗi lần chuyển cảnh, chị lại lồng vào đó những đoạn diễn xuất nhỏ nên sân khấu không có thời gian "chết". Chi tiết Pansi đến chết trước giàn thiêu và sự quyết tâm của Huyền Trân theo Vua Chế Mân tạo được kịch tính, đồng thời ca ngợi tình yêu chung thủy của những người phụ nữ. Một cái kết buồn mà đẹp. Sân khấu với những đóa bạch trà kết trên nền voan trắng cũng tăng thêm vẻ đẹp tinh khiết và tạo hiệu quả thẩm mỹ tốt cho vở diễn. Những chiếc hoa đăng hình hoa bạch trà cũng góp phần làm nổi bật hình tượng người công chúa đa đoan.

Khó mà chê được "Duyên kiếp Bạch Trà" bởi đây là một vở cải lương hài hòa. Song sẽ ấn tượng hơn nếu vở diễn khắc họa sâu hơn nữa hình tượng Công chúa Huyền Trân. Nên chăng, bớt đi những cảnh Tể tướng Bố Đề âm mưu toan tính xuất hiện quá nhiều để dành "đất" cho Huyền Trân thể hiện nội tâm. Và giá như tâm trạng và suy nghĩ giằng xé của công chúa trước khi sang Chiêm Thành được Thiên Hương diễn tốt hơn thì vở diễn sẽ thành công hơn trong việc khắc họa một số phận lịch sử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng ca cảm thông với người phụ nữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.