Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền tỷ thành phế liệu

Tống Ngọc Thanh| 26/06/2011 05:45

(HNM) - Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng 85 trạm cấp nước sạch nông thôn. Thế nhưng, sau khi xây dựng hoàn tất, đa phần các trạm cấp nước đều hoạt động cầm chừng, nhiều trạm chưa một lần đưa vào sử dụng.

Trải qua năm tháng, nhiều hạng mục xuống cấp, thiết bị hư hỏng trở thành đống phế liệu "bỏ thì thương, vương thì tội". Thực tế này không chỉ gây thất thoát, lãng phí mà còn tạo dư luận xấu trong đời sống xã hội về hiệu quả của các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Xin được dự án như... vớ được vàng!

Men theo con đê, chúng tôi tìm về xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Hỏi thăm vào trạm cấp nước, bác thợ sửa xe đầu xã lắc đầu ngán ngẩm: "Đã bơm nước được ngày nào mà cấp. Các anh đi đến ngã ba, rẽ trái rồi hỏi tiếp. Cứ nhòm thấy chỗ nào có phế liệu thì vào nhá". Trời hè oi bức, chúng tôi lách người qua khu nhà tập thể tồi tàn của trại ươm cây giống thì vào đến trạm cấp nước sinh hoạt xã Phù Đổng. Trạm cấp nước vắng hoe, cỏ dại mọc um tùm. Công trình đầu tư tiền tỷ ngày nào, giờ trở thành đống phế liệu hoen gỉ. Thấy có tiếng ai ngáy bên trong nhà vận hành trạm bơm, tôi mạnh dạn đánh tiếng. Người trông nom trạm bơm giật mình thức giấc. Đó là ông Nguyễn Trọng Xuyên, mắt vẫn còn ngái ngủ, ông uể oải nói: "Gần chục năm nay, trạm bơm chưa vận hành. Giờ ống giếng tắc rồi, van cũng kẹt cứng. Tôi chỉ trông coi chứ chả vận hành gì sất...".

Ông Nguyễn Trọng Xuyên bên trạm cấp nước sinh hoạt xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm bị bỏ hoang gần chục năm nay.

Ông Xuyên cho biết, trạm cấp nước sinh hoạt xã Phù Đổng khởi công xây dựng đầu năm 2001 với tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 4,5 tỷ đồng. Sau khi xây dựng hoàn tất, trạm cấp nước được bàn giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Phù Đổng vận hành, khai thác. Ngày đầu, hệ thống bơm hoạt động trơn tru, chất lượng nước bảo đảm. Chẳng phải nói, cán bộ xã nhà mừng ra mặt. Thế rồi, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vì có trạm bơm mà không có ống dẫn. Cố gắng lắp đặt xong hệ thống đường ống trục chính thì mới té ngửa người dân trong xã không có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của trạm bơm. Có hai lý do khiến người dân không mặn mà. Thứ nhất, để đấu nối vào hệ thống cung cấp nước sạch của xã, dân phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua đường ống và lắp đặt đồng hồ. Thứ hai, thu nhập bình quân của người dân còn thấp trong khi hàng tháng phải trả một khoản tiền nước đáng kể. Chính vì không khuyến khích được người dân nên sau 3 năm, Phù Đổng chỉ có 100/3.000 hộ dân đăng ký sử dụng nước sinh hoạt. Hệ thống bơm phải vận hành, chi phí bảo dưỡng vẫn phải trả, vì "thu không đủ chi" nên trạm cấp nước đành tạm ngưng hoạt động. Sau 8 năm "đắp chiếu", giờ trạm cấp nước sinh hoạt xã Phù Đổng thực sự chỉ còn là nơi cho côn trùng ẩn nấp.

Một vị nguyên là cán bộ xã nói với chúng tôi rằng: "Tiếc thì tiếc thật nhưng chả biết làm sao. Hồi đó, các xã "vớ" được dự án đầu tư như vớ được vàng. Cứ có tiền là xây chứ có ai suy trước tính sau xem "xây cho ai, xây để làm gì?". Với 4,5 tỷ đồng ngày đó có thể xây được một ngôi trường học khang trang. Chính vì không tìm hiểu kỹ tâm lý, nhu cầu sử dụng của người dân, cứ xây đại nên giờ mới ra nông nỗi. Thực tế này xảy ra ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Phù Đổng.

Trạm cấp nước tiền tỷ bỏ hoang, dân vẫn dùng... nước bẩn

Tình trạng thiếu nước, người dân phải dùng nước bẩn, nước sinh hoạt nhiễm tạp chất có độc tố vượt ngưỡng cho phép đã và đang xảy ra tại nhiều nơi. Nghịch cảnh với nó là hàng chục trạm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố bị bỏ hoang. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Hà Nội hiện có 16 trạm cấp nước nông thôn đã đầu tư nhưng không thể sử dụng, nhiều trạm bị hư hỏng hoàn toàn không có khả năng khôi phục, sửa chữa như: trạm nước tại thôn Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) hoặc trạm nước tại thôn Đoan Lữ (xã An Mỹ, huyện Hoài Đức). Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc đầu tư các trạm nước không đồng bộ, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, phần lớn thiết bị lắp đặt theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Tại một số địa phương, trạm cấp nước vẫn hoạt động nhưng trình độ của người quản lý, vận hành kém dẫn đến thất thoát, "teo tóp". Điển hình về sự lãng phí này là trạm cấp nước ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Được đầu tư ngót nghét 10 tỷ đồng, trạm cấp nước xã Ninh Hiệp là một trong những nơi được đầu tư "mạnh tay" nhất. Khỏi phải nói, người dân trong xã vô cùng phấn khởi và hưởng ứng chủ trương này. Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống đường ống nước đã được lắp đặt tới 3.400 hộ dân. Ngỡ dự án đã "xuôi chèo mát mái", ai ngờ khi tiến hành bơm thử, nước đỏ như gạch, có mùi tanh và áp lực rất yếu. Có lỗi với dân, chính quyền xã và cơ quan chức năng vào cuộc để tìm nguyên nhân. Lúc này người ta mới phát hiện trạm bơm thiếu đủ thứ: từ hệ thống xử lý bùn, nước thải cho đến van đóng mở, không bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố rò rỉ Clo.

Theo ông Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp, sở dĩ trạm cấp nước bị "đắp chiếu" do quá trình xây dựng bị chia làm nhiều giai đoạn, nhiều chủ đầu tư dẫn đến hệ thống thiết bị không đồng bộ. Hơn thế, đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ cấu đầu tư không hợp lý (vốn ngân sách nhà nước 60%, vốn dân đóng góp 40%). Việc huy động vốn trong dân không dễ thành thử kinh phí đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nên bị dàn trải.

Tại các xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), Xuân Nộn (huyện Đông Anh), chúng tôi ghi nhận thực trạng xuống cấp của hầu hết các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Hiện tại, các hạng mục như: bể lắng, bể lọc, hệ thống van đóng mở, nhà điều hành đều đã hư hỏng nặng.

Trong khi trạm cấp nước "đắp chiếu", người dân tại các xã này vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không bảo đảm vệ sinh. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, chỉ có 11% dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Kết quả kiểm tra mẫu nước ngầm lấy tại giếng khoan của các gia đình ở 174 xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đều bị nhiễm chất asen vượt quá nồng độ cho phép. Biết nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nhưng người dân vẫn phải dùng bởi họ không có lựa chọn nào khác. Nhìn các trạm cấp nước giá trị đầu tư nhiều tỷ đồng bị dãi dầm mưa nắng, người dân xót xa nhưng tiếc cũng chỉ để mà tiếc.

Khôi phục cũng cần tính toán

Thực trạng nhiều trạm cấp nước sinh hoạt ở Hà Nội bị "đắp chiếu" đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính hiệu quả của các dự án đầu tư. Lãnh đạo thành phố biết và rất sát sao nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn. Để "vực dậy" 16 công trình cấp nước hiện đang bị tạm ngưng hoạt động, Hà Nội dự kiến đầu tư tiếp một khoản kinh phí khoảng 66 tỷ đồng. Thực chất, số tiền này không quá lớn nhưng vấn đề đặt ra là hiệu quả của nó sẽ tới đâu. Ai dám khẳng định sau khi tái đầu tư, các trạm cấp nước này sẽ hoạt động có hiệu quả? Hơn thế, tại các cuộc bàn thảo, đại diện chính quyền địa phương đều cho rằng người dân hiện muốn sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà chứ họ không muốn mua nước từ trạm bơm của xã. Khi người dân khước từ sử dụng nguồn nước tại địa phương, vô hình trung việc tái đầu tư trở nên vô nghĩa. Đến lúc đó, chủ trương khôi phục các trạm cấp nước chỉ là hình thức làm "sống lại" các công trình bị "đắp chiếu" chứ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Chưa nói đến chuyện biết đâu đó, khoản tiền tái đầu tư lại bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả một lần nữa. Theo ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội thì một trạm cấp nước muốn hoạt động phải có 3 yếu tố: thứ nhất, người dân thực sự cần nước sinh hoạt; thứ hai giá nước phải thấp, phù hợp với thu nhập của người dân; thứ ba phải tổ chức tốt công tác quản lý, vận hành khai thác trạm cấp nước.

Từ những lý do trên, việc khôi phục cải tạo các công trình cấp nước lãng phí tiền tỷ vẫn trong vòng luẩn quẩn và người dân vẫn tiếp tục phải dùng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền tỷ thành phế liệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.