(HNM) - Phí bảo hiểm và quỹ phụ huynh là hai khoản thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận xã hội bởi những rắc rối liên quan.
Phía ngành Giáo dục đã có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thu các khoản này thế nhưng trong thực tế, quá trình triển khai tại cơ sở vẫn còn thiếu công khai, minh bạch, không đúng quy trình, quy định, khiến cho nỗi bức xúc không thuyên giảm.
Năm học 2015-2016, tiền bảo hiểm y tế tăng khiến nhiều bậc phụ huynh băn khoăn. Ảnh: Giang Huy |
Thu tự nguyện: Lộn xộn so với quy trình
Sau ngày khai giảng hai tuần, một số trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức họp phụ huynh lần thứ hai. Không phải là vì nhà trường có quá nhiều nội dung mới cần phổ biến tới phụ huynh, mà là để phổ biến lại danh mục các khoản đã thu một cách chi tiết do có nhiều phụ huynh phản ứng.
Phụ huynh một trường mầm non ở quận Bắc Từ Liêm phản ánh: Buổi họp phụ huynh lần trước, riêng tiền quỹ phụ huynh, mỗi người đã đóng 700 nghìn đồng, bao gồm hai khoản là quỹ phụ huynh nhà trường và quỹ phụ huynh của lớp. Sau cuộc họp, một số ý kiến cho rằng mức thu này là quá nhiều đối với trẻ mầm non, vì trong danh mục đã có các loại tiền phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ như trang thiết bị bán trú, học phẩm.
Việc có hai loại quỹ phụ huynh (quỹ trường, quỹ lớp) và cách thức triển khai như mặc định với mọi phụ huynh trong lớp là cách làm khá phổ biến trong thời gian qua. Vậy, nội dung này có được quy định tại văn bản nào hay không? Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ: "Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp".
Liên quan đến khoản đóng góp tự nguyện, Quyết định 51/2013/ QĐ-UBND ngày 22-11-2013 của UBND thành phố quy định rõ quy trình tổ chức và sử dụng bắt buộc phải qua bốn bước, trong đó có việc lập kế hoạch dự trù kinh phí nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động nguồn đóng góp… và niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu ý kiến. Quy định là thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà trường đã làm tắt, bỏ qua một số bước quan trọng trong quy trình để... buộc phụ huynh phải tự nguyện.
Phụ huynh một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ băn khoăn khi lớp thông báo mỗi phụ huynh phải đóng hơn 200 nghìn đồng tiền sơn lại trường trong dịp hè. Đây là mức kinh phí được nhà trường tính toán sau khi sơn tường rồi chia bình quân cho HS. Phụ huynh không rõ chủ trương có từ bao giờ, dự trù công việc thế nào, mức thu được tính toán cụ thể ra sao. Đến khi xong việc thì nhà trường mới thông báo. Điều khiến họ băn khoăn còn nằm ở chỗ chỉ có mặt tường phía bên ngoài được sơn, còn phía bên trong các phòng học của HS vẫn giữ nguyên, cứ như thể "vẽ" một đề mục cho có.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Việc tổ chức thu hai loại quỹ phụ huynh, cào bằng đối với tất cả phụ huynh trong lớp là sai so với quy định. Thông tư 55 đã quy định rõ: "Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS". Cũng theo hướng dẫn tại thông tư này thì kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS trường được trích từ kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện cha mẹ HS lớp đầu năm học.
Phí bảo hiểm: Mập mờ bắt buộc - tự nguyện
Hầu hết phụ huynh được hỏi đều cảm thấy bất ngờ khi biết năm học 2015-2016, với mỗi con ở độ tuổi HS, họ phải đóng khoản tiền gấp đôi để mua bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, mức đóng cho mỗi HS năm nay là hơn 543 nghìn đồng/người thay cho mức hơn 289 nghìn đồng/người vào năm ngoái. Nếu như có 2 con đang ở độ tuổi đi học, với mức đóng này thì chẳng cứ ở vùng nông thôn mà ở thành phố cũng có khá nhiều phụ huynh phải trăn trở. Một trong những lý do khiến phụ huynh phản ứng trước việc tăng mức đóng BHYT HS là vì chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở vẫn "giậm chân tại chỗ". Không ai muốn con mình bị bệnh để phải sử dụng thẻ BHYT, nhưng điều mà mọi phụ huynh đều mong muốn là khi tăng mức đóng BHYT thì quyền lợi của các con phải được tăng theo, song, thực tế thì chuyện xếp hàng dài đợi khám bệnh, danh mục thuốc đơn giản đã tái diễn trong nhiều năm nay, điều đó khiến phụ huynh nản lòng.
Thêm nữa, không phải ai cũng am hiểu luật, thế nhưng có trường lại chỉ "đánh" một cái thông báo về việc thu BHYT gửi HS đem về nhà, đại ý mỗi HS phải đóng ngần này tiền, phương án đóng thế này kèm theo ghi chú rành mạch của hiệu trưởng: Đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp thu tiền của cha mẹ HS và nộp tiền tại phòng tài vụ vào ngày 7, 8, 9-9-2015. Văn bản của hiệu trưởng ký ngày 3-9, như vậy, phụ huynh có nhiều nhất 5 ngày để "nghiên cứu văn bản" và... xoay tiền. Có người đem thắc mắc liên quan đến chuyện tăng mức đóng BHYT hỏi giáo viên chủ nhiệm thì cũng chỉ nhận được lời giải thích chung chung, nếu hỏi kỹ quá thì cô cũng "bí tị". Để khỏi phiền lòng cô, nhiều phụ huynh vẫn đóng, song trong lòng thì không khỏi thắc mắc. Chị Mai Kim Tình, phụ huynh HS một trường tiểu học tại quận Long Biên cho rằng phía BHXH nên cử đại diện đến các nhà trường để giải thích tường tận cho phụ huynh, chứ không nên giao cho giáo viên đứng ra "thu hộ" như hiện nay.
Ngày 11-9, để giải tỏa nỗi bức xúc của phụ huynh, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các trường phải thu rải BHYT làm hai lần trong một năm, đồng thời chỉ đạo dừng thu các loại bảo hiểm tự nguyện trong nhà trường. Thế nhưng, nhiều trường học đã thu bảo hiểm thân thể từ khi HS tựu trường vào tháng 8. Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng đây là khoản thu hoàn toàn tự nguyện, phụ huynh có nhu cầu đã tự nguyện đóng ở các nhà trường trước thời điểm Bộ GD-ĐT phát lệnh dừng thì không can thiệp. Sau thời điểm này, các nhà trường phải thực hiện nghiêm lệnh, phụ huynh có nhu cầu mua bảo hiểm thân thể cho con thì có thể mua ở các kênh ngoài nhà trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống: Từ ngày 3-9, Hà Nội đã lập 21 đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, trong đó có công tác thu chi. Quá trình kiểm tra tại cơ sở cho thấy, một trong những vi phạm mà các trường thường mắc phải là thu Quỹ Ban đại diện cha mẹ HS chưa đúng quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Một số trường tự đặt ra mức thu quỹ chứ không theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.