(HNM) - Trong bản cập nhật mới nhất về Kế hoạch phục hồi bền vững, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cảnh báo về sự mất cân bằng giữa các khu vực trong đầu tư cho các giải pháp phục hồi bền vững và phát triển năng lượng sạch; cho rằng điều này sẽ dẫn tới những nguy cơ khó lường. Dù tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu còn nhiều phức tạp, song giờ là lúc các nỗ lực phát triển bền vững cần được quan tâm đúng mức, tránh những hậu quả trong tương lai.
Theo IEA, các chính phủ trên khắp thế giới tới nay đã cam kết chi hơn 710 tỷ USD cho các giải pháp phục hồi bền vững, phát triển năng lượng sạch kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến năm 2030. Con số trên tăng 50% so với mức được đưa ra vào tháng 10-2021 và là mức chi lớn nhất cho năng lượng sạch. Tuy nhiên, tới nay IEA ghi nhận các nền kinh tế phát triển mới dự kiến chi trên 370 tỷ USD trước cuối năm 2023, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có kế hoạch chi chưa tới 52 tỷ USD trước khi kết thúc năm 2023. Theo IEA, đây là mức thấp hơn nhiều so với những gì cần để trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này.
IEA cho rằng, phần thiếu hụt này sẽ không thể được huy động trong ngắn hạn, khi các chính phủ đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế. Vấn đề “cơm áo gạo tiền” đang khiến nhiều quốc gia bị hạn chế về các công cụ tài chính phải rất vất vả xoay xở để duy trì giá thực phẩm và nhiên liệu ở mức thấp, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc vừa qua cũng cho biết, chỉ số giá lương thực trong tháng 3-2022 đã tăng tới 12,6% so với tháng trước đó. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, sẽ hạ triển vọng tăng trưởng của 143 nền kinh tế có đóng góp 86% cho kinh tế toàn cầu.
Lo ngại của IEA còn tập trung vào các khoản đầu tư, tiến trình chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng, trong bối cảnh năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đến nay vẫn chiếm gần 80% lượng tiêu thụ, không khác mấy so với cách đây 1 thập kỷ. Dù được xem là giải pháp cuối cùng để giải quyết tình trạng trái đất ấm lên, cũng là chìa khóa mở ra cơ hội giảm sự phụ thuộc trong vấn đề năng lượng, các tiến trình triển khai năng lượng tái tạo hiện chứng kiến sự đình trệ, một phần do xung đột tại Ukraine. Năm 2021, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có về điện mặt trời và điện gió, nhưng theo IEA vẫn chưa đủ. Trong khi đó, các biện pháp áp đặt cấm vận liên quan tới dầu mỏ đang khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại việc sử dụng than đá - nhiên liệu sản xuất điện có hại bậc nhất cho môi trường.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo IEA khuyến nghị, các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp ba lần vào cuối thập kỷ, nếu thế giới muốn chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và kiểm soát thị trường năng lượng vốn không ổn định. Công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió hằng năm cũng phải tăng ít nhất bốn lần để bảo đảm nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như mục tiêu Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Bên cạnh đó, thế giới cũng cần bảo đảm nguồn đầu tư cho giảm phát thải và sử dụng hiệu quả năng lượng. Để làm được điều này, nhà nghiên cứu Nicolas Berghmans của Viện Phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (IDDRI) đề cập sự cần thiết giảm thiểu lãng phí năng lượng. Còn Giám đốc Công ty Năng lượng Engie (Pháp) Catherine MacGregor nhấn mạnh về các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả... Một số ý kiến cũng cho rằng, mọi đánh giá lúc này cần tránh chủ quan, bởi giảm phát thải thời gian qua đến từ việc kinh tế bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, không phải nhờ đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.