(HNM) - Mấy tháng qua (và có thể còn lâu nữa) thị trường nông sản - một thị trường đặc biệt nhạy cảm đối với người Việt Nam - có hai biến động lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nông dân và người lao động:
1. Giá thịt lợn tăng vọt, từ 50% tới trên 100%.
2. Thương nhân Trung Quốc thu gom tôm tại ao, vải tại vườn, hải sản tại bến tàu với giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Nhiều quan chức, chuyên gia nông nghiệp lên tiếng cảnh báo rằng nếu không có những biện pháp mau chóng và hữu hiệu thì các công ty nước ngoài chuyên về chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc đóng tại Việt Nam sẽ mau chóng chiếm lĩnh và lũng đoạn thị trường thực phẩm.
Các vị này cũng cho rằng việc thương lái Trung Quốc thu gom nông, thủy sản tận gốc với giá cao trước mắt có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân, song về lâu dài, nếu tình trạng này tiếp tục, nó sẽ phá vỡ cung - cầu trong nước; gây rối loạn cho việc tổ chức, quản lý, điều hành thị trường và cuối cùng thị trường nước ta sẽ mất quyền chủ động.
Đất nước của chúng ta, hàng hóa do chúng ta làm ra, tiêu thụ trên thị trường của ta, theo pháp luật của chúng ta, vì cuộc sống hằng ngày của hơn 80 triệu dân ta, mà những người được giao trọng trách về quyền lực (tổ chức, quản lý, điều hành); và những người được đào tạo chuyên môn, được trao những phương tiện khoa học - kỹ thuật, được cấp kinh phí để hoạch định các kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài lại khẳng định rằng mọi rắc rối ấy là do người nước ngoài!?
Họ lo nước ngoài lũng đoạn thị trường thực phẩm vì chỉ một Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam (100% vốn nước ngoài) đã chiếm tới 8% thị trường gà, lợn mà "quên" không nói tại sao cả ngành nông nghiệp nước ta không có lấy được vài ba doanh nghiệp như thế, mặc dù được ưu đãi rất nhiều? Họ nói các công ty nước ngoài nắm giữ nguồn sản xuất và nhập khẩu thức ăn gia súc (nên nắm quyền quyết định giá) mà không nói tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Họ nói là công ty nước ngoài thuê nông dân chăn nuôi rồi trả công nên trốn được nhiều loại thuế mà không nói tại sao các công ty của ta không làm thế?
Nếu như các doanh nghiệp của chúng ta có thói quen ký hợp đồng thu mua với nông dân từ trước thì liệu thương nhân nước ngoài có thể tự do hoành hành? Hợp đồng không có không chỉ do nông dân không tuân thủ trong trường hợp họ lãi trước mắt, mà ngay các doanh nghiệp cũng vậy, cũng sẵn sàng thay đổi miễn là có lợi. Chính do cung cách làm ăn chụp giật, mánh mung ấy nên người ngoài cứ việc "tọa sơn", đợi cả trai cả cò mệt lử mới ra tay...
Những nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, pháp luật của chúng ta có tính tới tình hình đó và có biện pháp đề phòng? Thương lái nước ngoài (từ lâu nhiều công ty nước ngoài đã thu mua tận gốc, "lúa non" đối với nhiều loại nông sản như hồ tiêu, cà phê... để rồi không chỉ sản xuất, mà bán lại cho doanh nghiệp Việt Nam) có thể mua tại gốc, nhưng bằng cách nào họ qua mặt được nhà chức trách khi qua biên giới?
Liệu thương lái nước ngoài có thể làm được nếu chúng ta biết làm ăn nghiêm túc; biết hoạch định dài hạn, chính xác trên cơ sở luật pháp rõ ràng, chặt chẽ? Vậy nên khi có biến cần tỉnh táo và, như người ta vẫn nói:
- Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.