(HNM) - Khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính ở các đơn vị chưa được đồng đều. Song 5 năm qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, giờ đây Hà Nội đã có nền tảng
"Phủ sóng" công nghệ thông tin
Một trong những khó khăn ban đầu khi mới hợp nhất là sự chênh lệch về mặt bằng ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi hầu hết các đơn vị nội thành đã đưa ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thì ở nhiều xã vẫn tiếp nhận, giải quyết và lưu trữ hồ sơ hành chính hoàn toàn bằng cách thủ công. Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tiến hành khảo sát, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT cũng như nâng cấp, xây dựng mới các trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Tính riêng năm 2011, thành phố đã đầu tư 207,34 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, trong đó gói thầu xây dựng Trung tâm Dữ liệu nhà nước thành phố là lớn nhất (chiếm 32,02%).
Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm.Ảnh: Bảo Kha |
Cùng với việc đầu tư hạ tầng, TP Hà Nội chú trọng tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ CNTT. Qua 5 năm, Sở TT-TT đã tổ chức đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT và nghiệp vụ quản lý nhà nước về TT-TT cho hơn 6.000 lượt cán bộ, công chức các cơ quan thuộc thành phố. Đến nay đã có 15/22 sở, ngành và 26/29 quận, huyện có ban chỉ đạo CNTT; 18/26 sở, ngành, đơn vị hiệp quản và 20/29 quận, huyện có bộ phận CNTT. Tổng số cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước là 278 người, trong đó 13 cán bộ có trình độ trên đại học, 210 cán bộ trình độ đại học… Đó chính là nhân tố để mỗi đơn vị sớm bắt nhịp với việc ứng dụng phần mềm phục vụ các nghiệp vụ cơ bản trong cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, các phần mềm: Quản lý nhân sự; quản lý tài chính - kế toán và phần mềm quản lý hộ tịch giờ đã được triển khai tới tất cả quận, huyện, xã, phường. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Ứng dụng CNTT (Sở TT-TT), hiện nay hầu hết lãnh đạo, cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước biết sử dụng thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Kỹ năng ứng dụng của cán bộ, công chức và cán bộ chuyên trách CNTT của khối sở, ngành, văn phòng UBND thành phố, các quận, thị xã Sơn Tây và các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì đều đã đạt ở mức khá.
Tăng giao dịch điện tử
Một trong những kết quả quan trọng mà TP Hà Nội đạt được là các ứng dụng cơ bản đã được triển khai rộng khắp. 96% sở, ngành, quận, huyện có trang thông tin điện tử. 100% quận, huyện và 75% sở, ngành đã triển khai phần mềm "một cửa điện tử", trong đó, 11 quận, huyện (Ba Vì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân) đã triển khai phần mềm "một cửa điện tử" xuống tất cả các xã, phường trực thuộc. Đặc biệt, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đang được đẩy mạnh. Thành phố đã có hơn 60 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có hơn 40 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (điền và gửi trực tuyến mẫu văn bản đến cơ quan cung cấp dịch vụ). Ngay tại bộ phận "một cửa" của các đơn vị đã cho thấy việc ứng dụng CNTT vào phục vụ tổ chức, công dân luôn được coi trọng. Các thiết bị như: Camera, kiốt tra cứu, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch, hệ thống xếp hàng tự động được bố trí ở bộ phận "một cửa" các sở, ngành, quận, huyện. Đặc biệt, đã có 10 quận, huyện, thị xã triển khai giải pháp nhắn tin kết quả giải quyết TTHC cho công dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2012 được Bộ TT-TT công bố, TP Hà Nội đã được xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc, tăng 17 bậc so với năm 2011. Không dừng lại ở đó, trong năm 2013 này, TP Hà Nội đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho việc triển khai dự án Khu công nghiệp phần mềm nội dung số trọng điểm TP Hà Nội. Theo đó, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 sẽ chính thức được triển khai. Đó chính là những điều kiện thiết thực trong việc tạo nền móng ban đầu cho quá trình xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011-2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.