Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến tới Cách mạng nông nghiệp 4.0

Đỗ Minh| 03/12/2018 06:55

(HNM) - Tận dụng lợi thế của công nghệ cao, nhiều hộ nông dân Việt Nam mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, tiến tới Cách mạng nông nghiệp 4.0.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao.


Những ứng dụng bước đầu

Là một trong những hộ nông dân áp dụng nhiều ứng dụng tiên tiến, ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm Hợp tác xã Anh Đào (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang trồng rau quả theo phương pháp VietGAP, cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu với doanh thu hơn 10 triệu USD/năm. Mô hình sản xuất của ông áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tự động hóa... điều khiển qua máy móc, điện thoại.

Tương tự, nông dân Vương Đình Phi (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cũng làm vườn bằng... smartphone (điện thoại thông minh); nông dân Phạm Văn Hát (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) gieo hạt bằng robot tự động; ông Đoàn Huỳnh Thông, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) xử lý hạt giống bằng máy...

Tại Diễn đàn “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0” diễn ra gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, nông nghiệp 4.0 chính là áp dụng công nghệ kỹ thuật số, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nông nghiệp 4.0 cũng bắt đầu được đề cập tại Việt Nam. Đây đang là xu hướng của nhiều quốc gia nông nghiệp trên thế giới và cho những thành tựu vượt bậc.

Tại Việt Nam, nền nông nghiệp 4.0 đã bước đầu hình thành tại một số tỉnh, thành phố nhưng mới chỉ là những ứng dụng ban đầu, còn nhỏ lẻ. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, để tiếp cận nền nông nghiệp công nghiệp 4.0, nông dân cần trang bị rất nhiều về kiến thức, thị trường, vốn, nhân lực… điều mà chúng ta đang rất yếu và thiếu.

Cần chính sách đồng bộ

Nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp hiện đại, vượt qua cả nền nông nghiệp công nghệ cao để hiện đại hóa nông nghiệp theo xu hướng phát triển toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Chúng ta không thể triển khai nông nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn lãnh thổ mà cần chọn lựa những ngành phù hợp để triển khai. Với nền nông nghiệp Việt Nam, một số ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 là chăn nuôi bò sữa, lợn, gà; nuôi tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, sản xuất nấm hoặc cây dược liệu; sản xuất lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... Cùng với đó, về phía nhà nước cần có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là nguồn vốn".

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay của nông nghiệp 4.0 là nguồn vốn đầu tư vì không phải nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất. Để xây dựng một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao cần khoảng 140-150 tỷ đồng, cao gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi thông thường. Hoặc để đầu tư 1ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel, chúng ta cần ít nhất từ 10 đến 15 tỷ đồng.

Để giúp nông dân, doanh nghiệp tiếp cận, triển khai nền nông nghiệp 4.0, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn. Nhiều ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đặt nền móng cho công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp.

Theo thống kê của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), hiện Agribank đã giải ngân được hơn 5.136 tỷ đồng cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hơn 3.000 khách hàng. Trong đó, Lâm Đồng và Bạc Liêu là hai trong số nhiều đơn vị đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ đồng vốn của Agribank, nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã hoạt động, bước đầu cho thành quả tích cực, như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích hàng nghìn héc ta tại Cần Thơ; những vùng đặc sản bưởi Bến Tre; mô hình nuôi tôm giống ở các tỉnh Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận; mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bình Thuận;…

Tại Hà Nội, với sự hỗ trợ rất lớn từ thành phố và hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng, đến nay, toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó trồng trọt chiếm khoảng 18%, chăn nuôi 34%, thủy sản 13%.

Cùng với nguồn vốn thì việc đào tạo nguồn nhân lực - chủ thể của nền nông nghiệp 4.0 cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm nên nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt.

Theo đó, cần có những chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới Cách mạng nông nghiệp 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.