(HNMO)- ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị số tiền đó đầu tư vào đâu, phải có địa chủ cụ thể.Ví dụ bao nhiêu tiền làm bệnh viện gì, bao nhiêu tiền làm công trình gì, thậm chí bao nhiêu tiền đầu tư vào sự nghiệp kinh tế cần thiết.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp và tăng trưởng không theo dự báo ban đầu, chỉ tăng 3,1%, đồng thời diễn biến về tình hình Biển Đông, tình hình nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang gây ra những khó khăn nhất định cho kinh tế - xã hội thế giới, nhưng với sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được 13/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2015, đặc biệt là kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 khả năng đạt trên 6,5%.
Hơn nữa, các yếu tố về kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, chỉ số lạm phát chỉ ở mức 2%, rồi chúng ta tiếp tục cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể, góp phần tăng trưởng ngoại hối, tình hình về tỷ giá được điều hành, kiểm soát một cách linh hoạt, qua đó góp phần kéo giảm được lãi suất trên thị trường.
ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Infonet.vn |
Bên cạnh đó các hoạt động về xã hội, nâng cao đời sống người dân cũng được chú ý, tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nhìn nhận hết sức cụ thể về những tồn tại. Ví dụ như những vấn đề về ô nhiễm môi trường, về tình trạng tai nạn giao thông, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thấy một số tồn tại nhất định.
Với thành công của năm 2015, chúng ta đã đưa ra phương hướng kế hoạch 2016, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn năm 2015, ở mức 6,7%. Đồng thời cái quan trọng là chúng ta sẽ kéo giảm bội chi NSNN năm 2015 ở mức 5% GDP, thì năm 2016 bội chi ở mức 4,95%.
Tôi đánh giá rất cao về tình hình thực hiện ngân sách của chúng ta trong năm 2015 bởi vì giá dầu thô trên thế giới đã giảm rất sâu từ 100 USD/thùng , xuống chỉ còn khoảng 50 USD/thùng nên làm hụt thu nguồn thu dầu thô lên tới 32 nghìn tỷ. nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cân đối được NSNN và giữ được mức bội chi ở mức 5% GDP. Như vậy là đã có sự tập trung tất cả nguồn thu và kiểm soát các nguồn chi một cách chặt chẽ.
Một điểm khác là dự kiến nợ công sẽ ở mức cuối năm 2015 khoảng 64% GDP nhưng đến nay mặc dù tình hình NSNN khó khăn nhưng nợ công chỉ ở 61,3%. Hay nợ nước ngoài dự kiến chúng ta khoảng 42% GDP nhưng cuối năm nay chỉ khoảng 41,5%. Như vậy nợ công của chúng ta có tăng cao nhưng vẫn thấp hơn so với dự kiến ban đầu. Điều đó cho thấy chúng ta đã có những sự cải thiện nhất định khi đã có Luật Đầu tư công cũng như quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt kết quả nhất định.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)
Tôi đồng tình với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và giai đoạn 5 năm tiếp theo bởi thực tế các giải pháp này đã khái quát rất rõ những tồn tại yếu kém của chúng ta và đều là những vấn đề cử tri, xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, đấy là một kết quả bước đầu, chúng ta còn đang hy vọng ở triển khai thực hiện. Bởi thường những định hướng, giải pháp lớn được vạch ra rất nhanh, cụ thể, thậm chí rất đồng bộ nhưng khi mà triển khai cụ thể hoá, quy định bằng chính sách, cơ chế, đặc biệt sự phối hợp giữa các ngành, TƯ, địa phương không được kịp thời, đôi khi còn chậm trễ.
ĐB Cao Sỹ Kiêm (Đoàn ĐBQH Thái Bình) |
Và chính điều này tạo nên cản trở trong việc thực hiện và đồng thời giảm lòng tin. Vì một số thứ đặt ra rõ rồi nhưng một hồi không thực hiện được hoặc thực hiện không thông suốt , thậm chí có những cái đặt ra không phù hợp với thực thiễn, thay đi đổi lại nhiều lần. Điều này thể hiện khả năng điều hành và cụ thể hoá chính sách của chúng ta chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
Để khắc phục, theo tôi phải thực hiện 3 việc: Làm cho những chính sách, cơ chế, quy định vào cuộc sống rất nhanh, biến thành tư duy, nhận thức, hiểu biết của mọi người; Chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, bằng chính sách quy định, bằng kiểm tra kiểm soát thực hiện nghiêm túc và phối hợp nhịp nhàng; Thực hiện một cách thật sự dân chủ, công khai minh bạch để người dân có sự đóng góp tham gia, giám sát quá trình thực hiện, phát hiện những địa chỉ cụ thể chưa làm được hoặc còn tồn tại khuyết điểm, giúp cơ quan lãnh đạo chỉ đạo, đơn vị địa phương khắc phục nhanh hơn, có hiệu quả hơn
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM)
Trước hết phải nói rằng việc bán bớt cổ phần của Nhà nước để đưa vào đầu tư những công trình thiết yếu, kể cả liên quan đến phúc lợi của người dân là vấn đề tôi đề nghị cách đây 2 năm tại Quốc hội. Giờ chủ trương của Chính phủ như vậy tôi cho rằng đúng và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN.
Tuy nhiên, tôi đề nghị không nên hòa nó vào vốn ngân sách nói chung mà phải tách biệt vấn đề đó đầu tư vào đâu, phải có địa chủ cụ thể, ví dụ bao nhiêu tiền làm bệnh viện gì, bao nhiêu tiền làm công trình gì, thậm chí bao nhiêu tiền đầu tư vào sự nghiệp kinh tế cần thiết. Nếu hòa vào, nói là chi đầu tư nhưng chúng ta chi thường xuyên, "vung tay quá trán" làm giảm đầu tư đi rồi bù lại thì coi như gián tiếp để chi tiêu. Chúng ta không nên dùng lượng tài sản đó để đi chi tiêu mà phải sử dụng có lợi nhất vì nó là tài sản chung.
ĐB Trần Du Lịch |
Ví dụ từ tiền của Vinamilk, nếu chuyển để đầu tư BV Ung Bướu thì nó mang lợi ích khác, coi như tài sản đó vẫn còn, còn nếu hòa vào ngân sách thì tôi không ủng hộ. Chi vào đâu, dự án nào là phải có địa chỉ, và Quốc hội quyết theo địa chỉ đó. Cách như vậy sẽ giảm đi được phần căng thẳng.
Ngoài 40.000 tỷ đó thì với việc phát hành trái phiếu quốc tế, tôi ủng hộ Chính phủ để cơ cấu lại khoản nợ, không tăng nợ công. Nếu ta cân đối được, nguồn ngoại tệ dài hạn không khăn thì rõ ràng có lợi, đây là phương thức cơ cấu lại khoản nợ chứ ko phải thay mới nên nó không có ảnh hưởng.
Nếu như hướng sắp tới chúng ta giảm nhập siêu thì rõ ràng ko căng thẳng phần đó, cơ cấu lại nợ là tốt.
ĐB Phạm Văn Tấn (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An)
Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản, đầy đủ, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016.
Trong các nội dung Chính phủ báo cáo, từng phần nêu ra được những kết quả, chuyến biến, tiến bộ, thành tựu của đất nước, đồng thời cũng nêu ra được những hạn chế, yếu kém cản trở đến sự phát triển và đồng thời chỉ ra được những việc sắp tới trong 5 năm và năm 2016 đất nước phải làm.
ĐB Phạm Văn Tấn |
Dù năm 2015, tình hình nước ta có sự tác động từ cả bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 2015 là năm cao nhất trong giai đoạn 5 năm, góp phần tạo ra tiền đề để chúng ta tiếp tục tiếp tục phấn đấu đưa nước ta sớm cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại.
Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, rộng hơn với kinh tế quốc tế sau khi chúng ta tham gia ký kết các hiệp ước thương mại. Có được kết quả này, ngoài sự điều hành quyết liệt, nhạy bén, linh hoạt, kịp thời, có tính nguyên tắc cao của Chính phủ là sự đồng thuận lớn của DN, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.