Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã để lại nhiều di sản quý trong lĩnh vực văn hóa chính trị, đặc biệt là tư tưởng về văn hóa trong Đảng.
Ngay từ thời mới lập quốc, dẫu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đói nghèo bủa vây, thù trong giặc ngoài nhưng Người vẫn khẳng định vai trò tiên phong của văn hóa.
Đảng ta là đảng cầm quyền, không có cách nào khác là phải thấm đẫm và thực hành nhuần nhuyễn văn hóa của dân tộc và mở lòng để tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa thế giới.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Gần 80 năm qua, câu nói này đã trở thành tư tưởng chỉ đạo cho toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu.
Nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Người cho rằng, Đảng phải luôn là tấm gương về đạo đức cách mạng, trong sạch và không ngừng học tập để nâng cao trình độ lãnh đạo. Bác nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Và Người khẳng định, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực riêng biệt mà còn phải gắn bó mật thiết với chính trị, kinh tế và xã hội, đóng vai trò định hướng và dẫn dắt dân tộc trong mọi lĩnh vực.
Câu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Người đã thể hiện vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển xã hội và con người. Văn hóa không chỉ là giá trị tinh thần, mà còn là nền tảng định hướng cho mọi hoạt động của một dân tộc. Vậy tại sao văn hóa được xem là “ngọn đuốc soi đường” cho quốc dân?
Văn hóa định hướng giá trị và đạo đức xã hội, văn hóa là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống, đạo đức và lối sống của một dân tộc. Nó giúp định hình tư duy, hành vi và thái độ sống của con người. Một nền văn hóa giàu đẹp, lành mạnh sẽ khuyến khích con người sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tính cộng đồng là một trong những đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam. Theo đó, người Việt đề cao tinh thần đoàn kết, sống gắn bó trong gia đình, dòng họ và làng xã. Cùng với đó là truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “lá lành đùm lá rách” thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đơn cử như năm 2024 vừa qua, siêu bão Yagi đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại một số địa phương. Sau thiên tai, rất nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã đứng ra quyên góp tiền, thực phẩm, nước uống, thuốc men, và hỗ trợ tái thiết nhà cửa cho các nạn nhân. Tổng số tiền ủng hộ cho các nạn nhân của siêu bão Yagi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Điều này đã thể hiện rất rõ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong văn hóa của người Việt.
Văn hóa không chỉ gắn bó với đời sống tinh thần mà còn liên quan chặt chẽ đến kinh tế, chính trị và xã hội. Một quốc gia có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc sẽ tạo động lực để phát triển bền vững, bởi văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo, đoàn kết và ý chí vươn lên của người dân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa giúp duy trì và phát huy bản sắc dân tộc, tránh sự hòa tan hay đánh mất giá trị cốt lõi của dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng để một quốc gia khẳng định vị thế và bản lĩnh trên trường quốc tế. Ngoại giao cây tre là đặc trưng riêng, thể hiện phong cách ngoại giao của Việt Nam, dựa trên hình ảnh cây tre, một biểu tượng quen thuộc của dân tộc. Cây tre mềm dẻo nhưng kiên cường, linh hoạt nhưng vững chắc, tượng trưng cho tinh thần ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Văn hóa bao gồm cả tri thức, giáo dục và khoa học. Khi văn hóa được phát triển, nó giúp người dân hiểu biết hơn về thế giới, từ đó có những hành động phù hợp để xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Là quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người Việt rất coi trọng đạo làm người với năm chữ: “Nhân”, “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín”. Cùng với đó, nền giáo dục khoa cử thời phong kiến kéo dài hơn ngàn năm từng đào tạo ra những bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Đó là những tấm gương về sự học vẫn tỏa sáng trong nền kinh tế tri thức hôm nay.
Văn hóa lưu giữ những bài học từ lịch sử, truyền lại kinh nghiệm và giá trị cho các thế hệ sau. Nhờ đó, một dân tộc không chỉ học hỏi từ quá khứ mà còn biết cách sáng tạo, đổi mới để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Vậy nên văn hóa được ví như “ngọn đuốc” soi sáng, dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của một dân tộc. Đảng ta chính là linh hồn cho ngọn đuốc ấy để chỉ đạo việc xây dựng và bảo vệ nền văn hóa trường tồn với sự phát triển của dân tộc, đồng hành với tiến bộ của nhân loại.
Văn hóa là nền tảng tinh thần trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng văn hóa không chỉ là lĩnh vực tinh thần mà còn là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của Đảng và xã hội. Trong Đảng, văn hóa được xem như nền tảng để xây dựng tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu và khả năng lãnh đạo của cán bộ, đảng viên.
Người khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và điều này áp dụng cả trong công tác xây dựng Đảng. Đảng cần có những giá trị văn hóa vững chắc để lãnh đạo nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến đạo đức cách mạng, coi đó là nền tảng để xây dựng văn hóa trong Đảng. Người luôn nhắc nhở các đảng viên về việc rèn luyện đạo đức, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người nhấn mạnh: “Đảng viên phải vừa hồng vừa chuyên, tức là có đạo đức và trình độ chuyên môn. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để làm gương cho nhân dân noi theo”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi phê bình và tự phê bình là một nét văn hóa đặc sắc, giúp Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Người nhấn mạnh: Phê bình phải mang tính xây dựng, không công kích cá nhân. Tự phê bình là cách mỗi đảng viên kiểm điểm bản thân, từ đó khắc phục sai sót và phát triển. Người khẳng định: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có, xét rõ hoàn cảnh đã sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, đảng ấy là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Người nhấn mạnh rằng đảng viên phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ chính trị, lý luận và chuyên môn, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Việc học tập không chỉ nhằm hoàn thiện bản thân mà còn để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Cùng với đó, việc học phải đi đôi với hành: “Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”.
Đảng ta là đảng cầm quyền, đặc biệt là trong giai đoạn đầu giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Bác Hồ luôn đề cao phong cách làm việc dân chủ, khoa học và gần gũi nhân dân. Người cho rằng lãnh đạo không chỉ là chỉ đạo mà còn phải thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của quần chúng, từ đó đề ra các quyết sách phù hợp. Người khẳng định: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”.
Giữ gìn văn hóa trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một trong những trở ngại lớn trong việc giữ gìn văn hóa trong sạch, đặc biệt là đối với sự phát triển của cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước. Người luôn phê phán chủ nghĩa cá nhân dưới góc độ đạo đức cách mạng và tư tưởng chính trị.
Người coi chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của tham ô, lãng phí, quan liêu, bè phái, vô kỷ luật và nhiều thói hư tật xấu khác. Người nhấn mạnh rằng nếu để chủ nghĩa cá nhân phát triển, nó sẽ làm suy yếu Đảng và cách mạng. Trong "Di chúc" Người để lại có đoạn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, đối lập với đạo đức cách mạng: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí”.
Người đề cao việc rèn luyện đạo đức cách mạng, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân: “Muốn chống chủ nghĩa cá nhân, phải thực hành chủ nghĩa tập thể. Mỗi người phải đặt lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Người kêu gọi mọi người phải rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để đấu tranh chống lại nó. Đây cũng là đặc trưng quan trọng của văn hóa Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa trong Đảng là sự kết hợp giữa các giá trị đạo đức, trí tuệ và tinh thần cách mạng. Những tư tưởng này không chỉ đóng vai trò định hướng trong việc xây dựng Đảng mà còn có giá trị lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Việc thực hiện tốt những nguyên tắc văn hóa trong Đảng sẽ giúp Đảng luôn vững mạnh và giữ vững vai trò lãnh đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.