Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Linh Chi| 09/09/2014 06:46

LTS: Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một mốc son quan trọng trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, mở ra trang sử mới cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống,

LTS: Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một mốc son quan trọng trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, mở ra trang sử mới cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu; đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước hôm nay. Báo Hànộimới mở chuyên mục "Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), phản ánh những thành tựu của Thủ đô trong 60 năm qua cũng như những yêu cầu mới đang đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Trong 60 năm qua, lực lượng CNVCLĐ đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển không ngừng của Thủ đô và đất nước. Ảnh: Nhật Nam



Sau 9 năm gian khổ đấu tranh chính trị, phá hoại kinh tế địch, diệt ác trừ gian, hỗ trợ sức người và của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ công nhân Hà Nội đã góp phần quan trọng giành lại Thủ đô từ tay thực dân Pháp. Phát huy kết quả đạt được, sau Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, lực lượng CNLĐ và phong trào công nhân thành phố luôn đi đầu, đóng góp to lớn vào sự phát triển không ngừng của Thủ đô và đất nước. Và hôm nay, đội ngũ CNVCLĐ tiếp tục là lực lượng tiên phong tiến trình CNH, HĐH.

Lớn mạnh không ngừng

Nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Lợi nhớ lại, ngay sau khi giải phóng Thủ đô, lúc ấy ông là công nhân cơ khí của Xí nghiệp Cơ khí Hà Nội, đã cùng với lực lượng CNLĐ trên toàn thành phố bắt tay vào khôi phục kinh tế, ổn định trật tự xã hội, giữ vững an ninh. Năm 1955, công nhân Hà Nội tiếp quản, vận hành 8 xí nghiệp tại chỗ và 9 xí nghiệp từ vùng tự do chuyển về, hình thành lực lượng công nhân công nghiệp khu vực quốc doanh đầu tiên để khôi phục kinh tế. Qua hai cuộc kháng chiến, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô và cả nước không chỉ là "pháo đài" chính trị vững chắc trong các tổ chức, xí nghiệp mà còn là lực lượng quan trọng trên mặt trận sản xuất - kinh doanh, góp phần bảo đảm lương thực, quân nhu, vũ khí cho bộ đội; làm nòng cốt cho Đảng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập - tự do, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung kiện toàn tổ chức, chăm lo bảo vệ quyền lợi của CNVCLĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, CNVCLĐ không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đến nay, LĐLĐ TP Hà Nội trực tiếp quản lý 30 LĐLĐ quận, huyện, thị xã, 7 công đoàn ngành, 11 công đoàn cấp trên cơ sở, 6.443 công đoàn cơ sở và 468.497 đoàn viên.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực cho biết, thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TƯ về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước", các cấp công đoàn thành phố đã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ. Coi đây là nhiệm vụ sống còn của CNLĐ Thủ đô, công đoàn từng bước tham gia nghiên cứu xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ học vấn tay nghề cho CNVCLĐ, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Trong 5 năm gần đây đã có gần 10 nghìn CNLĐ học bổ túc văn hóa, hơn 26 nghìn CNVCLĐ học ĐH và ĐH văn bằng hai, gần 200 nghìn CNLĐ tự trau dồi kiến thức tin học, ngoại ngữ. Toàn thành phố có hơn 8 nghìn lượt đơn vị tổ chức đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho hơn 110 nghìn lượt CNLĐ.

Công đoàn Thủ đô đã khởi xướng và tập trung chỉ đạo thành công cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp" trong CNVCLĐ, cơ quan, doanh nghiệp của Thủ đô. Sau hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo nhiều chuyển biến, từng bước đáp ứng với điều kiện lao động trên dây chuyền, thiết bị, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách, pháp luật, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, công đoàn, nhất là các chế độ chính sách liên quan quyền lợi của người lao động. Với nhiều hình thức phong phú, công đoàn các cấp đã giáo dục truyền thống gắn với thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhằm nâng cao nhận thức của CNVCLĐ về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, làm cho CNLĐ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Thủ đô.

Thi đua lao động giỏi, sáng tạo

Một trong những thế mạnh của Công đoàn Thủ đô là tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội ở Thủ đô. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận xét, các phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn thành phố đã từng bước đi vào chiều sâu, chuyển biến về chất lượng, đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, khả năng sáng tạo của CNVCLĐ, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Nhật Nam



Tiêu biểu trong số đó là các phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Công nhân giỏi", "Thi đua liên kết phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn"… Phong trào thi đua đã tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký hoàn thành công trình sản phẩm mới. 5 năm gần đây đã có gần 100 nghìn lượt CNLĐ đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", trong đó có gần 10 nghìn lượt CNLĐ đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở và 463 "Công nhân giỏi Thủ đô". Toàn thành phố có gần 57 nghìn CNLĐ có thành tích trong phong trào lao động sáng tạo, trong đó có 253 lượt cá nhân được UBND - LĐLĐ thành phố biểu dương "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô". Chỉ từ 52 công trình sáng tạo tiêu biểu, CNLĐ đã làm lợi 7.881,2 tỷ đồng. Phong trào thi đua do công đoàn phát động và tổ chức thực hiện đã góp phần không nhỏ để Thủ đô vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhìn lại 60 năm qua, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Văn Thực khẳng định, Công đoàn Thủ đô đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô giàu mạnh, là tiền đề quan trọng để tổ chức Công đoàn Thủ đô vững bước tiến vào thời kỳ hội nhập và phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô cũng chịu tác động ảnh hưởng của nhiều khó khăn, thách thức: Năng suất lao động của công nhân Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực và thế giới; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, CNLĐ tiếp tục đứng trước nguy cơ mất và thiếu việc làm... Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ phấn đấu từ nay đến năm 2018 thành lập 2 nghìn CĐCS, kết nạp từ 170 nghìn đến 200 nghìn đoàn viên; có từ 70% trở lên tập thể và cá nhân đạt tiêu chuẩn "Nếp sống văn hóa công nghiệp"…

Dấu mốc hoàn thành cơ bản sự nghiệp CNH, HĐH vào năm 2020 đang cận kề. Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị đang sát cánh hỗ trợ cho lực lượng CNLĐ nỗ lực vươn lên, nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, ý thức chính trị, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển, bảo vệ Thủ đô và đất nước trong tình hình mới, xứng đáng với truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiên phong trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.