Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiện nhưng không lợi!

Người Tiêu Dùng| 05/11/2011 07:40

Tác hại của túi ni lông sau khi sử dụng trong đời sống đang ngày càng được dư luận quan tâm nhận biết, dù sản phẩm này có hiệu suất sử dụng cao và được nhiều người tiêu dùng cho là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị hiện đại, khó thay thế.


Tại Hà Nội, dù chưa có thống kê cụ thể, song thực tế cho thấy, số lượng và mức độ dùng túi ni lông rất lớn. Cảnh thường thấy là túi ni lông đã qua sử dụng tràn ngập, vương vãi khắp nơi, vừa làm bẩn phố phường, vừa ảnh hưởng xấu, lâu dài đến môi trường. Bởi, túi ni lông dù chôn vùi dưới đất cũng phải hàng trăm năm mới có thể phân hủy được.

Giải quyết bài toán túi ni lông không hề đơn giản, nhất là khi "đụng" phải thói quen của người tiêu dùng. Gần đây, hệ thống siêu thị Metro khởi xướng chương trình "Cùng khách hàng bảo vệ môi trường", đã bán cho khách hàng những chiếc túi làm từ sợi tổng hợp, có thể sử dụng nhiều lần với giá 7.000 đồng/chiếc, thay cho túi ni lông mỏng đựng hàng được phát miễn phí. Một số siêu thị lớn của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng làm như vậy. Một chương trình trong khuôn khổ của Chương trình giáo dục phân loại rác tại nguồn (3R) tại Hà Nội phát động từ tháng 8-2008 đến nay, cũng đã phát miễn phí loại túi có thể sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường và đã được 90% số hộ dân các phường của quận Hoàn Kiếm tham gia. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động với nội dung "Nói không với túi ni lông" do các tổ chức, đoàn thể phát động... Tuy nhiên, các chương trình này chưa được nhân rộng, chưa được tiến hành thường xuyên và còn thiếu tính bắt buộc. Người tiêu dùng, nội trợ dẫu có muốn cũng khó thực hiện, vì không có vật dụng thay thế và cũng bởi túi ni lông sử dụng quá tiện lợi.

Để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp cứng rắn, sao cho việc không sử dụng túi ni lông trong đời sống hằng ngày trở thành nền nếp. Lộ trình có thể là quy định các siêu thị, cửa hàng... không được dùng túi ni lông để đựng hàng cho khách; tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa; cấp phép đăng ký kinh doanh có điều kiện đối với hoạt động tái chế nhựa và sản xuất, kinh doanh mặt hàng túi ni lông... và có kiểm tra, có chế tài xử lý vi phạm chứ không chỉ là vận động, hô hào xuông như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiện nhưng không lợi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.