(HNM) - Ngày 10-2, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) đã tổ chức hội thảo khoa học đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương của cán bộ, công chức (CBCC) giai đoạn 2011-2020, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.
Theo nhận xét của các đại biểu, mức lương hiện nay mới chỉ đáp ứng được 65-70% mức sống tối thiểu của CBCC. Trong khi đó, thu nhập ngoài lương của một bộ phận công chức lại rất cao, tùy thuộc vào vị trí, lĩnh vực quản lý, vùng, miền. Nếu so sánh mức lương tối thiểu năm 2002 là 210.000 đồng/tháng với hiện nay, tiền lương danh nghĩa tăng 295,2% nhưng chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng 147,2%. Như vậy, tiền lương thực tế sau 9 năm chỉ tăng 59,9%, không theo kịp với đà tăng giá, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm với mức tăng trên 200%.
Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách cải cách tiền lương trong thời gian tới phải bảo đảm tính cạnh tranh, giúp CBCC sống được bằng lương. Chỉ khi đạt được mục tiêu này họ mới có thể tận tụy với công việc và dành 100% thời gian và công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng và nhận hối lộ. Việc trả lương phù hợp với thị trường là một trong những biện pháp để thu hút và giữ CBCC có năng lực, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.