Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Hà Nội: Gấp rút chặng cuối

Thống Nhất| 08/10/2015 06:45

(HNM) - 2015 là năm cuối cùng trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2010-2015 của Hà Nội với mục tiêu có 50-55% số trường học đạt chuẩn. Các quận, huyện, thị xã đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm nay.


Mỗi nơi một kiểu khó

Theo kế hoạch, năm 2015, chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao là xây dựng 100 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 35 trường được công nhận, đạt 35% kế hoạch. Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội cần có thêm 65 trường học nữa được công nhận đạt chuẩn quốc gia trong ba tháng cuối năm. Theo nhận định của bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, dù mới đạt 35% kế hoạch năm nhưng so với cùng kỳ năm trước, tiến độ xây dựng trường chuẩn nhanh hơn và đó là căn cứ để Hà Nội tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2010-2015.

Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) - một trong những trường đạt chuẩn quốc gia của TP Hà Nội.



Công việc từ nay tới cuối năm 2015 khá bộn bề đối với nhiều quận, huyện, thị xã. Thực tế cho thấy, có những khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cùng chia sẻ, tháo gỡ, chứ chỉ riêng ngành Giáo dục thì khó có thể xoay xở. Quận Ba Đình là một trong những đơn vị từ đầu năm đến nay chưa xây dựng được một trường đạt chuẩn quốc gia nào; trong khi năm ngoái, đơn vị này xếp thứ 16 về tỷ lệ trường đạt chuẩn và năm nay đã tụt xuống thứ 24 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã. Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, chỉ tiêu kế hoạch năm nay là xây dựng 2 trường (Mầm non Thành Công và Tiểu học Nguyễn Trung Trực), đó là hai trường xây dựng mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nhưng do Luật Xây dựng có điều chỉnh nên phải tạm dừng triển khai để thẩm định hồ sơ. Dự kiến quận sẽ hoàn thành được 50% so với chỉ tiêu, còn lại thì phải "nợ" đến năm sau.

Nằm trong nhóm 19 đơn vị chưa có thêm trường đạt chuẩn trong 9 tháng qua, huyện Mê Linh có những vướng mắc khác. Mặc dù đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho giáo dục, với khoảng 1.000 tỷ đồng trong 5 năm qua, song tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của huyện mới đạt hơn 44% so với chỉ tiêu, chủ yếu bởi quy mô giáo dục lớn, nhiều hạng mục cần đầu tư. Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện, Mê Linh đã đầu tư xây dựng trường chuẩn ở những nơi có điều kiện thuận lợi; số trường còn lại, do quy hoạch cũ, nhiều hạng mục xây dựng không bảo đảm quy chuẩn, không thể nâng cấp được nữa nhưng cũng chưa thanh lý được, nên chưa thể triển khai. Sự chậm còn do nguồn kinh phí chính chỉ trông chờ vào ngân sách, việc huy động xã hội hóa là bất khả thi.

5 huyện xếp cuối về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia: Phú Xuyên 21,6%; Ba Vì 21,7%; Mỹ Đức 38,2%, Ứng Hòa 40%; Thạch Thất 40,3%. Đây cũng là 5 đơn vị đang được đề xuất hỗ trợ cơ chế đặc thù, trong đó có tăng cường đầu tư kinh phí tương xứng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Ngóng cơ chế đặc thù

Lãnh đạo huyện Phú Xuyên - đơn vị hiện đứng cuối bảng xếp hạng về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của thành phố - cho biết, trong năm 2014 đã xây dựng được 5 trường chuẩn - con số kỷ lục của huyện từ trước đến giờ. Năm nay, chỉ tiêu của Phú Xuyên là có 5 trường chuẩn, nhưng đến nay chưa có thêm trường nào và đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu. Lý do là bởi, dù được thành phố hỗ trợ kinh phí nhưng "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Năm 2015, huyện được hỗ trợ 40 tỷ đồng nhưng phải chia cho rất nhiều hạng mục, giáo dục chỉ là một phần trong số đó và việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng chỉ là một trong số rất nhiều đầu việc cần đầu tư của giáo dục. Đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên kiến nghị thành phố sớm chỉ rõ tỷ lệ đầu tư cho giáo dục để có thể chủ động trong xây dựng kế hoạch về trường chuẩn.

Tương tự, Mỹ Đức là một trong số 5 huyện đang chờ thành phố ban hành cơ chế đặc thù để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhằm theo kịp các đơn vị bạn. Lãnh đạo huyện cho biết, đã ban hành nghị quyết mỗi năm dành 20 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục, nhưng do số lượng trường trên địa bàn quá lớn (76 trường ở ba cấp học), số phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp cần đầu tư, cải tạo hằng năm nhiều, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện so với nhiều đơn vị còn có sự chênh lệch lớn nên buộc phải trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn, lãnh đạo huyện Mỹ Đức đề xuất thành phố ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020 với tinh thần tập trung, không nên dàn trải mà ưu tiên cho những đơn vị thực sự khó khăn.

Nhìn tổng thể, dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trung bình của Hà Nội đã là 42%, song, tiến độ xây dựng trường chuẩn ở các nơi có sự chênh lệch khá rõ: 6 địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 70% nhưng có nơi khác chỉ đạt một nửa con số này. Thực tế ấy đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của cả hệ thống chính trị nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, phù hợp để vừa đạt chỉ tiêu số lượng 50-55% trường chuẩn quốc gia vào cuối năm, vừa không "bỏ quên" tiêu chí về chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Hà Nội: Gấp rút chặng cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.