(HNM) - Một loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô đang được Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ, lần lượt hoàn thành trong năm 2014.
Cầu Nhật Tân đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Huy Hùng |
Theo chỉ đạo của Chính phủ, cụm công trình cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài và Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đều phải hoàn thành vào cuối năm 2014 để có thể khai thác đồng bộ. Bởi lẽ, chỉ cần một trong ba dự án không kịp hoàn thành thì các dự án còn lại sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã xác định đây là các công trình kiểu mẫu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân có tổng chiều dài khoảng 8,95km, trong đó, phần cầu chính - cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2km. Đại diện Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) cho biết, chủ đầu tư và các nhà thầu đang đẩy nhanh thi công để bảo đảm tiến độ từng gói thầu. Cụ thể, gói thầu số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc, nhà thầu sẽ tiếp tục căng kéo cáp văng và lắp dầm tại các trụ tháp P12, P16, dự kiến hợp long cầu chính trong tháng 4-2014. Tại gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc, nhà thầu sẽ tập trung thảm mặt đường, thi công hệ thống thoát nước dọc trên phạm vi cầu, chuẩn bị triển khai hạng mục cây xanh và ánh sáng; tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để hoàn thành gói thầu trong tháng 5-2014. Riêng gói thầu số 2 xây dựng cầu chính và đường dẫn phía nam, do phần tuyến nhánh chậm bàn giao mặt bằng nên đến tháng 10-2014 sẽ hoàn thành các hạng mục chính để thông xe và bàn giao vào tháng 12-2014. Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban QLDA 85 khẳng định sẽ theo dõi, kiểm soát chặt, nếu nhà thầu nào không bảo đảm tiến độ, ban sẽ đề xuất Bộ GTVT bổ sung nhà thầu phụ có năng lực chi viện hoặc điều chuyển bớt khối lượng thi công sang đơn vị khác.
Dự án xây dựng đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài được đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 6.742 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Đây cũng là dự án do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư, có sự tham gia thi công của các nhà thầu mạnh trong nước, như Tổng Công ty Cienco1, Cienco4... Đến nay, tiến độ dự án đạt được khoảng 55%. Trong đó, gói thầu số 1 đạt khối lượng lớn nhất (92%). Gói thầu số 4 do mới nhận đủ mặt bằng vào tháng 12-2013 nên khối lượng hoàn thành chỉ đạt khoảng 40%. Giám đốc điều hành dự án Ðinh Lê Thông cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT, sự ủng hộ của các hộ dân bị thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã có kết quả khả quan. Với tiến độ như hiện tại, cả 5 gói thầu của dự án đều có thể hoàn thành được trong tháng 10-2014 theo đúng kế hoạch. Khi hoàn thành công trình sẽ rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến sân bay quốc tế Nội Bài, giảm áp lực giao thông trên tuyến cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, giãn mật độ dân cư trong trung tâm thành phố và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Khí thế thi công trên công trường Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đang rất sôi nổi. Giai đoạn này, liên danh nhà thầu Taisei - Vinaconex và các đơn vị liên quan đang tập trung vào các phần việc chính như: lắp dựng kết cấu thép mái tòa nhà, kết cấu thép cầu hành khách; lắp dựng vách kính bao quanh; tiếp tục phần xây, trát tường, sơn khu vực tòa nhà, thi công cầu cạn… Ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Trưởng ban QLDA cho biết, tất cả đang trong giai đoạn nước rút. Khối lượng thi công hiện đạt khoảng 66% tổng khối lượng của toàn dự án, về cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra. Ngoài xây lắp, các công việc khác như đầu tư hệ thống máy soi hải quan hành lý, xây dựng nhà để xe, điều chỉnh quy hoạch giao thông nhà ga T1 - nhà ga T2, công tác chuẩn bị khai thác nhà ga T2… cũng đang được tiến hành khẩn trương.
Ngoài cụm 3 công trình trọng điểm nói trên, Bộ GTVT cũng đang tập trung quyết liệt cho dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên tuyến quốc lộ 2C. Đây là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất vượt sông Hồng nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Chiều dài toàn dự án lên đến 5.487m, trong đó phần cầu dài 4.480m. Tổng mức đầu tư công trình là 137 triệu USD. Ông Vũ Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, đến nay, hầu hết các hạng mục chính đã xong, đạt khoảng 90%. Hiện chỉ còn thảm mặt cầu, các hạng mục phụ trợ và phần đường nhánh hai đầu cầu. Với tiến độ như hiện tại thì ngày 30-4 tới có thể thông xe, đưa vào khai thác, vượt tiến độ 8 tháng so với kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.