(HNM) - Sự phối hợp chưa đồng bộ, kinh phí đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung còn hạn chế; việc khôi phục các công trình cấp nước xây dựng dở dang, không hoạt động và chưa thực sự được quan tâm...
Đây là những ý kiến tại hội nghị sơ kết 5 năm Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) giai đoạn 2009-2013, triển khai kế hoạch đến năm 2015 của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 18-12.
Tại huyện Ba Vì, nhiều người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước không đạt chất lượng trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Quốc Ân |
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Đào Duy Tâm, mặc dù có sự quan tâm, song kinh phí đầu tư hằng năm cho chương trình còn rất hạn chế. 5 năm qua, ngân sách thành phố đầu tư 115,6 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn để thực hiện là 770 tỷ đồng, mới đạt khoảng 16% so với kế hoạch. Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành còn thiếu đồng bộ nên việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra còn chậm, chưa đạt được hiệu quả và các mục tiêu đã đặt ra. Việc khôi phục, hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình cấp nước tập trung dở dang, không hoạt động theo chỉ đạo của thành phố còn chậm... Một trong những nguyên nhân chính là do thủ tục đầu tư, xác định trị giá tài sản còn lại đến nay vẫn chưa xong để bàn giao cho các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung cũng bộc lộ nhiều bất cập như nhân công quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý sự cố còn nghèo nàn. Giá tiêu thụ nước chưa được tính đúng, tính đủ; do thu không đủ chi dẫn đến thiếu kinh phí để phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng, các công trình bị xuống cấp nhanh, chất lượng nước không bảo đảm… Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư
số 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung nhưng đến nay hầu hết các huyện vẫn chưa triển khai thực hiện. Chưa kể, năm 2014, nhiều dự án nước sạch không được ghi vốn thực hiện, nên khó đạt được mục tiêu đến năm 2015, 100% dân số ở nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp tại hội nghị, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Hà Nội không rõ ràng đang gây khó khăn lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư các công trình cấp nước tập trung dở dang.
Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Hải, chủ đầu tư tiếp nhận khôi phục dự án Trạm cấp nước sạch thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai cho biết, công ty tiếp nhận đầu tư dự án trạm cấp nước trên đang nằm "đắp chiếu" nhưng đến nay, thủ tục cấp đất, chuyển chủ đầu tư vẫn chưa xong khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. "Không xác định được giá trị tài sản còn lại, không thực hiện xong thủ tục đầu tư, không được cấp đất, chúng tôi cũng không vay được vốn" - ông Hải bức xúc. Còn ông Nguyễn Phú Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT - chủ đầu tư khôi phục, cải tạo, nâng cấp Trạm cấp nước sạch xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cho biết, vướng mắc lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc định giá tài sản còn lại khi bàn giao công trình giữa chủ đầu tư cũ sang chủ đầu tư mới. Các thủ tục về đầu tư, ưu đãi đầu tư, công ty ông cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cũng khá bức xúc trước sự trì trệ của một số sở, ngành liên quan và địa phương khi chưa đồng hành với doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung. Tại sao các tỉnh khác làm tốt như vậy mà Hà Nội vẫn loay hoay? Tại sao công trình xong rồi mà không quyết toán được? Tiền ngân sách không có, doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư mà tại sao cấp chính quyền huyện vẫn thờ ơ?" - Phó Chủ tịch đặt ra hàng loạt câu hỏi yêu cầu các sở, ngành và chính quyền phải làm rõ và cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và quản lý khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nhằm thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư từ tổ chức, doanh nghiệp. Trước mắt, các huyện khẩn trương kiểm tra lại thủ tục, quyết toán công trình cấp nước còn lại đã giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nếu không làm được thì phải thuê tư vấn. Sở NN&PTNT nghiên cứu sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn để thống nhất mô hình, phương thức quản lý sau đầu tư. Các sở, ngành liên quan bố trí vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Đến nay, toàn thành phố có 91,56% dân số (tương đương 3.869.252 người) ở nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 11,56% so với năm 2009, trong đó 35,26% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, Hà Nội hiện còn tới 64,74% dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch. Về vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, 98,1% số hộ gia đình nông thôn (tương đương 1.030.250 hộ) có nhà tiêu, trong đó, 77,16% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.