(HNM) - Để tiếp tục duy trì vững chắc vị thế “đầu tàu” của cả nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Giáo dục Thủ đô triển khai hiệu quả thời gian qua là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhìn lại 2 năm học 2020-2021 và 2021-2022 cho thấy, việc bước đầu giảng dạy theo sách giáo khoa mới (lớp 1, lớp 2 và lớp 6) không tránh khỏi những lúng túng. Nhiệm vụ này lại được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm học sinh phải học trực tuyến. Song, toàn ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay có thể khẳng định, việc sử dụng sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Tín hiệu rất tích cực là việc đưa vào sử dụng sách giáo khoa mới đã, đang mang đến những “luồng gió mới” trong hoạt động dạy và học, hấp dẫn, sôi nổi hơn với những trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, nhiều mảng kiến thức trong sách giáo khoa mới mang tính định hướng, dẫn dắt đã giúp học sinh mạnh dạn hơn, dám thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình về bài học với bạn bè và giáo viên.
Kết quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong 2 năm học qua là tiền đề quan trọng để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục hiện thực hóa nhiệm vụ này trong thời gian tới, mà trước mắt là triển khai hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa với học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Dẫu vẫn còn đó những khó khăn ban đầu, nhưng ngành Giáo dục Thủ đô đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch học tập… để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ nay đến năm học mới 2022-2023, bên cạnh hoàn thành chương trình năm học 2021-2022, những nhiệm vụ nêu trên vẫn là nội dung quan trọng mà các địa phương, ngành Giáo dục cũng như các nhà trường, đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố cần dành thời gian, tập trung nguồn lực để hoàn thành một cách tốt nhất.
Một trong những công việc quan trọng là các nhà trường cần thực hiện công khai, minh bạch quy trình lựa chọn danh mục sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trên cơ sở này, các nhiệm vụ chuyên môn cần căn cứ vào chương trình, nội dung sách giáo khoa mới và điều kiện thực tế ở địa phương, nhà trường để triển khai, bảo đảm tính khoa học, đúng quy định và hiệu quả. Trong đó cần lưu ý những vấn đề mới, lần đầu triển khai như: Bố trí giáo viên với những môn học mới; lập tổ hợp môn học; lựa chọn nguyện vọng học tổ hợp môn cho học sinh lớp 10…
Để hoàn thành những nhiệm vụ nêu trên, đội ngũ giáo viên là yếu tố cốt lõi, quyết định đến chất lượng, hiệu quả dạy học chương trình, sách giáo khoa mới. Do đó, bên cạnh việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và các nhà trường cần thường xuyên trao đổi để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc (nếu có) về áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, làm sao để đội ngũ giáo viên yên tâm và tin tưởng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngay bây giờ, đội ngũ giáo viên trong diện dạy chương trình, sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cần tiếp tục trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; tìm hiểu, cập nhật thông tin, tri thức trong sách giáo khoa mới để sẵn sàng cho công tác dạy học khi bước vào năm học 2022-2023. Đây cũng là tiền đề quan trọng để toàn ngành Giáo dục Thủ đô thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.