Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề hướng tới “Chính quyền điện tử Thủ đô”

Phong Thu| 11/05/2014 06:20

(HNM) - Ngày 10-5, Ban chỉ đạo Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) TP Hà Nội đã tổ chức lễ công bố xếp hạng ứng dụng CNTT năm 2013.



Dự lễ công bố có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT Thành ủy Nguyễn Công Soái; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Nhiều đơn vị duy trì top đầu

Việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2013 được đánh giá trên 4 nhóm nội dung chính: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp; nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT; cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT. Về mức độ xếp hạng được chia thành các nhóm: Hạng tốt từ 85% điểm tối đa trở lên; hạng khá từ 65% đến dưới 85% điểm tối đa; hạng trung bình từ 50% đến dưới 65% điểm tối đa; hạng yếu dưới 50% điểm tối đa hoặc đơn vị gửi phiếu đánh giá, xếp hạng không đúng thời hạn, không gửi phiếu đánh giá.

Hướng dẫn người dân tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” UBND thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt


Theo kết quả đánh giá, xếp hạng tổng thể về ứng dụng CNTT năm 2013, trong khối sở, ngành có 3 đơn vị xếp hạng ứng dụng CNTT tốt (Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Sở TT-TT), 12 đơn vị xếp loại khá, 4 đơn vị xếp loại trung bình và 1 đơn vị xếp loại yếu (Ban Dân tộc). Do đặc thù của Văn phòng UBND thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố chủ yếu ứng dụng CNTT phục vụ điều hành nội bộ nên không xếp hạng ứng dụng CNTT tổng thể, chỉ xếp hạng các ứng dụng CNTT thành phần. Khối quận có 2 đơn vị xếp hạng tốt (Long Biên, Tây Hồ), 8 đơn vị khá và 1 đơn vị trung bình (quận Ba Đình). Khối huyện có 7 đơn vị xếp hạng khá, 9 đơn vị trung bình và 2 đơn vị xếp hạng yếu là Phú Xuyên, Mỹ Đức. Khối phường, thị trấn tham gia đánh giá, xếp hạng năm 2013 gồm 15 đơn vị được UBND các quận, huyện, thị xã đề cử. Kết quả, có 2 đơn vị xếp loại ứng dụng tốt là phường Thượng Thanh và phường Gia Thụy (quận Long Biên), 10 đơn vị xếp hạng khá và 3 đơn vị xếp hạng trung bình. Tương tự, khối xã gồm 17 đơn vị tham gia đánh giá, xếp hạng, có 8 xã xếp loại ứng dụng CNTT khá và 9 xã xếp hạng trung bình. Nhân dịp này, 19 đơn vị được nhận Bằng khen vì có thành tích cao trong ứng dụng CNTT tổng thể năm 2013.

Quyết tâm đổi mới

Có thể thấy, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước thành phố. Sở TT-TT Hà Nội đã liên tục tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra tại các đơn vị, đặc biệt là việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, đồng thời biểu dương, khen thưởng được tổ chức kịp thời. Từ năm 2010 đến nay, định kỳ hằng năm, Hà Nội đều tổ chức triển khai việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước, qua đó giúp các đơn vị thấy được điểm mạnh, những điểm còn hạn chế để có phương án khắc phục trong thời gian tới. Năm 2013 là năm đầu tiên việc đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT thực hiện ở cấp BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT thành phố và được điều hành bởi Hội đồng đánh giá xếp hạng do Trưởng BCĐ thành lập. Quá trình đánh giá, xếp hạng đã được thực hiện chặt chẽ, khách quan.

Nhìn vào kết quả xếp hạng có thể thấy, một số đơn vị liên tục đứng ở top đầu. Điển hình như quận Long Biên luôn dẫn đầu khối quận về ứng dụng CNTT. Để có được kết quả này, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ từ quận tới các phường, BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT của quận do Bí thư Quận ủy trực tiếp làm Trưởng ban họp định kỳ hằng tháng để đôn đốc, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT tại quận được thực hiện hiệu quả, thiết thực trong công việc khi áp dụng vào việc chuyển nhận văn bản điện tử, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử… Hay như quận Tây Hồ, năm 2012 đã xếp hạng thứ 3 trong khối quận, nhưng năm 2013, BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT quận vẫn chủ động liên hệ làm việc với Sở TT-TT để xác định những điểm còn yếu, đề ra giải pháp khắc phục. Với quyết tâm đó, năm 2013, quận Tây Hồ đã vươn lên vị trí thứ 2, sau quận Long Biên. Tương tự, xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) cũng còn không ít khó khăn trong việc đầu tư CNTT, song, nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng nên thời gian qua lãnh đạo xã đã bố trí cho cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về CNTT do huyện tổ chức; đồng thời quán triệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công việc nên năm 2013, xã Trung Tú vẫn tiếp tục duy trì ở vị trí khá. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Văn Khương: "Dù năm 2013, Sở KH-ĐT được xếp hạng tốt, song, chúng tôi xác định, việc ứng dụng CNTT phải làm thường xuyên và không ngừng đổi mới. Để đạt hiệu quả, chúng tôi luôn coi trọng yếu tố nguồn nhân lực, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT nhằm duy trì và phát huy kết quả đã đạt được".

Tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng cho thấy, bên cạnh những đơn vị quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cũng còn những đơn vị chưa thực sự vào cuộc. Huyện Chương Mỹ và huyện Thạch Thất là 2 trong 5 đơn vị làm điểm của thành phố về xây dựng cơ quan điện tử gắn với ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC nên đã được thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ từ huyện tới các xã (mỗi xã được thành phố đầu tư 200 triệu đồng cho hệ thống CNTT và bộ phận "một cửa"), song kết quả xếp hạng tổng thể ứng dụng CNTT năm 2013, 2 đơn vị này chỉ xếp hạng trung bình. Thậm chí huyện Phú Xuyên và Mỹ Đức ứng dụng CNTT còn rất hạn chế và năm 2013 tiếp tục xếp hạng yếu do không nộp báo cáo đánh giá về BCĐ Chương trình ứng dụng CNTT thành phố.

Việc xếp hạng ứng dụng CNTT là cơ sở giúp các đơn vị nhìn vào đó để hoàn thiện mình. Từ kết quả này, TP Hà Nội cần có biện pháp nghiêm khắc với các đơn vị đã được thành phố đầu tư hạ tầng CNTT nhưng vẫn không ứng dụng vào công việc, gây lãng phí. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo việc ứng dụng CNTT hơn nữa, góp phần đẩy mạnh xây dựng "Chính quyền điện tử Thủ đô".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề hướng tới “Chính quyền điện tử Thủ đô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.