(HNM) - Sau hai ngày rưỡi, ngày 2, 3 và sáng 4-6, kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2014 đã kết thúc trong trật tự, an toàn.
Đó là đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) thi quốc gia tại buổi họp báo diễn ra ngày 4-6, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia Nguyễn Vinh Hiển.
Các thí sinh trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Viết Thành |
Siết chặt khâu coi thi
Những điểm mới trong cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT (sử dụng cả điểm thi và kết quả học tập lớp 12), giảm số môn thi, tổ chức hội đồng coi thi theo từng trường (HS trường nào ngồi riêng trường đó) đã giúp cho các TS năm nay khá thảnh thơi, phấn khởi và tự tin. Tuy nhiên, với những người làm công tác tổ chức thi, đây lại là điểm cần lưu ý, nhất là ở khâu coi thi, nhằm tránh tình trạng TS chủ quan, thiếu nghiêm túc khi làm bài, dẫn đến vi phạm quy chế. Điều này được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thi thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, quán triệt kỹ đến 149 Chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT).
Với quy mô kỳ thi lớn nhất cả nước - hơn 76.000 TS, Hà Nội đã huy động gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm thi, trong đó riêng giám thị coi thi là gần 9.000 người. Yêu cầu với giám thị coi thi không chỉ là công tâm, trách nhiệm như mọi năm mà còn phải thạo việc để có thể chủ động kiểm soát tình hình mà không phạm quy. Nhằm hạn chế tối đa những sai sót, tránh tiêu cực như đã từng xảy ra tại HĐCT Trường THPT Quang Trung (Hà Đông) năm trước, ngoài việc giao quyền chủ động và chịu trách nhiệm cao nhất cho từng Chủ tịch HĐCT, Hà Nội còn tổ chức 20 đoàn thanh tra lưu động. Trưởng các đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trong mọi khâu tổ chức kỳ thi tại các HĐCT được phân công và liên đới trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố. Phương châm "chuẩn bị kỹ càng, tổ chức nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, kết quả thực chất" tiếp tục được Hà Nội duy trì với nhiều biện pháp kiên quyết.
Vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT
|
Đề thi các môn khoa học xã hội năm nay nhận được sự quan tâm của dư luận khi có các câu hỏi ở mức độ vận dụng, mang ý nghĩa giáo dục đạo đức và ý thức trách nhiệm công dân. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, đáp án của Bộ GD-ĐT sẽ được xây dựng ra sao để bảo đảm quyền lợi cho TS; đề thi có quá khó, đánh đố TS khi mục đích chỉ là để đánh giá tốt nghiệp THPT và có mâu thuẫn với chủ trương của Bộ GD-ĐT hay không? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề thi đáp ứng đúng quy chế là nhằm phân hóa trình độ TS, câu hỏi khó dành cho TS khá, giỏi. Với đề thi có câu hỏi mở, đáp án các câu hỏi mở cũng sẽ mở. TS có thể trình bày ý tưởng, tư duy của mình về vấn đề được yêu cầu, miễn sao không trái với thuần phong mỹ tục. Như vậy, TS không nhất thiết phải làm theo đúng đáp án mới có thể được điểm. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT và theo đúng ba rem điểm đã quy định tại đề thi. Đáp án và hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Thực tế cho thấy, những đổi mới của kỳ thi năm nay tạo nhiều thuận lợi cho TS, song lại khiến công tác tổ chức thi phức tạp, thời gian làm thi trong ngày dài hơn, gây áp lực không cần thiết với các giám thị. Có HĐCT chỉ có 1 TS nhưng được hơn hai chục người "chăm sóc". Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận việc phân công giám thị coi thi, bố trí phòng thi đối với các môn có ít TS dự thi chưa khoa học. Một số địa phương áp dụng quy định một cách máy móc như yêu cầu giám thị ca 1 phải ở lại đến hết giờ làm bài ca 2 mới được về, trong khi điều này không cần thiết, miễn sao bảo đảm quy chế và không gây khó khăn cho TS. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ khắc phục và tiếp tục hoàn thiện việc tổ chức thi tự chọn sao cho hợp lý hơn ở kỳ thi năm sau.
Liên quan đến phương án tổ chức thi thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về yêu cầu phải công bố phương án thi năm tới, muộn nhất trước ngày khai giảng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đang nghiên cứu, hoàn thiện đề án đổi mới thi để báo cáo Chính phủ theo đúng lộ trình và sẽ công bố vào thời điểm thích hợp cho phụ huynh, TS. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đề án đổi mới thi chưa tính đến việc tổ chức một kỳ thi duy nhất. Những thay đổi của kỳ thi năm nay, trong đó có việc thi tự chọn, giảm số môn thi, kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn với kết quả học tập ở lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp là bước đầu hoàn thiện đề án về đổi mới thi nhằm phát triển năng lực người học, tạo tiền đề tích cực trong quá trình dạy - học, kiểm tra, đánh giá và là hướng mà Bộ GD-ĐT sẽ triển khai những năm tới.
Tối ngày 4-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký công văn khẩn gửi Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở GD-ĐT Hưng Yên đề nghị xem xét thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, ngày 4-6, trên Báo Dân trí điện tử phản ánh tình trạng lộn xộn trong buổi thi môn toán tại HĐCT Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) và Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên). Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc hai Sở này tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm sai phạm - nếu có, theo đúng quy chế thi; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và báo cáo kết quả xử lý về Bộ GD-ĐT trước ngày 6-6-2014. Liên quan đến việc này, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sẽ khẩn trương rà soát việc thực hiện nhiệm vụ và quy chế thi của các đối tượng tham gia kỳ thi. Qua chấm thi, nếu phát hiện dấu hiệu TS làm bài tập thể, tùy theo mức độ vi phạm, giám thị coi thi phải chịu trách nhiệm, cán bộ thanh tra coi thi chịu trách nhiệm liên đới. Mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời và nghiêm khắc theo quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.