1. Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký thông qua Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chiến lược là mọi người dân đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng quyền và khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ…
Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án "Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đọan 2010-2030" của Bộ VH,TT&DL, một đề án lớn mà báo chí dẫn rằng cần khoảng 6.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Cũng trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã có chương trình riêng về nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc của người dân, về cơ bản mang ý nghĩa triển khai thực hiện chương trình quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt.
Nếu phải đưa ra nhận xét ban đầu về những vấn đề nêu trên, cần phải nói rằng đó là những chiến lược, chương trình, kế hoạch đúng và cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước nói chung. Chủ trương, định hướng vĩ mô được cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, tất cả nhất quán hướng tới mục tiêu lớn, như đã nói ở trên.
Nhìn tổng thể, với chương trình, mục tiêu đã đề ra, bao gồm nhiệm vụ của các ngành, chính quyền địa phương trên phạm vi cả nước, khoản kinh phí dự kiến, như con số 6.000 tỷ đồng cho đề án của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, không phải là điều đáng để băn khoăn. So với nhiều khoản chi tiêu khác, có mất nhiều nghìn tỷ đồng nữa mà chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân hoàn thành mục tiêu đề ra thì đó vẫn là khoản chi xứng đáng, đáng được ủng hộ. Vấn đề nằm ở chỗ khác, mối băn khăn có về điều khác, đó là hiện trạng và cơ sở thực tế để nhanh chóng triển khai thực hiện thành công Chiến lược.
2. Người ta nói rằng muốn thực hiện chiến lược lớn thì phải quan tâm đến tiền đề cho việc triển khai. Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, giảm bệnh tật, nâng cao thể lực và tầm vóc, tiền đề ấy không chỉ liên quan đến môi trường y tế, môi trường tự nhiên, nó còn cần khả năng chuyển đổi theo hướng thích ứng với dòng chuyển động chung của nhiều ngành khác, như thể thao, giáo dục, thông tin tuyên truyền, tất nhiên là cả môi trường quản lý địa bàn nữa. Không bàn đến những gì đã làm được, đáng để biểu dương, vốn có nhiều trong thực tế đời sống, ở đây chỉ nói về những điểm tồn tại, những điều gây quan ngại, đơn giản là vì đó là những yếu tố có thể gây cản trở quá trình thực hiện một chiến lược đặc biệt quan trọng và rõ tính thiết thực với đời sống.
Những yếu tố thành phần, dù "bé mọn" và là số ít thì vẫn có thể làm hỏng nỗ lực của toàn xã hội. Như với lĩnh vực y tế chẳng hạn. Sự hạn chế về nền tảng cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc khám chữa bệnh đang là nỗi bức xúc thực tế. Vấn nạn quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, liên quan đến sự yếu và thiếu của cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, đang là bài toán khó giải. Vấn đề y đức và trình độ chuyên môn vẫn phải được đặt ra, sau những sự vụ như ăn bớt vắc xin tiêm phòng cho trẻ nhỏ hay chẩn đoán nhầm dẫn đến tử vong.
Như lĩnh vực giáo dục và thể thao. Năm nay, khi đề án chương trình tổng thể nhằm mục tiêu nâng cao thể lực, tầm vóc của người Việt được đề cập nhiều hơn, người ta bắt đầu khởi động trong thực tế một phần việc nhẽ ra phải được "đốc" quyết liệt từ lâu - chương trình dạy bơi cho trẻ. Đó là một sự khởi đầu muộn, được thực hiện trong điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi còn ở mức "đặc biệt hạn chế", không chỉ trong hệ thống trường học mà là ở phạm vi toàn quốc. Lâu nay, nhiều ngành, nhiều tỉnh thành thường làm quy hoạch phát triển chung. Người ta làm quy hoạch đô thị, thậm chí là quy hoạch cho một khu đô thị nào đó, rồi tính chuyện xây dựng quy hoạch mạng lưới giáo dục, nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí… Thực tế sau những bản quy hoạch ấy là gì? Các trường học gần như vắng bóng cơ sở thiết yếu phục vụ cho việc dạy bơi, cho việc tập thể thao đúng nghĩa (không phải là một khoảnh sân trường, đất trống cho trẻ vung chân, vung tay). Sự thiếu đến mức mà mỗi khi hè tới, phụ huynh học sinh phải cắn răng chấp nhận chịu "chém" khi đưa trẻ đến những hồ bơi gần nhà, phần lớn được tạo dựng với mục tiêu lợi nhuận được xếp lên đầu.
Như công tác quản lý địa bàn đem lại sự băn khoăn quá lớn. Nỗi băn khoăn về môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội. Ngành y tế xây dựng quy chuẩn cho dịch vụ ăn uống đường phố, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành khác lo cấp phép kinh doanh, kiểm tra việc buôn bán, chính quyền phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý địa bàn nói chung. Sau đó, sau sự phân công phân nhiệm và đề ra kế hoạch quản lý thì sao? Quán xá mọc lên ngay vỉa hè, sát cống rãnh bốc mùi, ở ngay công trường xây dựng lúc nào cũng mù mịt bụi. Dân buôn tuồn cho thị trường của thiu thối, ngâm tẩm hóa chất, hết loại này sang loại khác, đến mức giờ thì người tiêu dùng có cảm giác mua gì cũng sợ. "Tạo màu miến bằng hóa chất độc hại", "Công nghệ làm tăm: Phủ kín hóa chất độc hại", "Công nghệ chế lẩu từ nầm dê giả và hóa chất rợn người", "Tẩy trắng bún từ hóa chất độc hại", "Trứng vịt ngâm hóa chất độc"… Đó là tiêu đề của những bài báo đăng trong tháng 4, 5 năm nay.
Theo các chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng, chiều cao và thể trạng của trẻ phụ thuộc vào di truyền khoảng 20%, khoảng 50% phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, môi trường sống và chế độ luyện tập. Cũng có quan điểm khác, theo đó, trong số yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao và thể trạng của con người thì chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể thao và môi trường giữ vai trò lớn nhất - khoảng gần 70%. Dù sao, với quan điểm nào thì so với phân tích đã nêu ở trên, chúng ta đang đối diện với thực tế là điều kiện phát triển hiện tại đang gây mối quan ngại lớn. Nó đặt ra nhiệm vụ cấp bách là tập trung tạo dựng tiền đề cho việc triển khai thực hiện thắng lợi chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân của Chính phủ. Ta đang có xuất phát điểm chậm, thấp và bởi vậy, đây là nhiệm vụ cần được nhận thức rõ ràng, có sự quyết tâm đồng lòng vào cuộc của các cấp, ngành liên quan.
3. Chiến lược được Chính phủ thông qua bao gồm chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân trong giai đoạn 2015-2020, chương trình hành động và đề án cụ thể của một số ngành. Trong đó, riêng với lĩnh vực y tế, chỉ tính riêng việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật (bao gồm nghị định, thông tư, quyết định, đề án, chiến lược ngành) đã có hơn ba chục đề mục, nghĩa là phần việc nhằm tạo tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược chung là rất lớn.
Tại một hội nghị trực tuyến bàn về đề án chương trình tổng thể phát triển tầm vóc của người Việt, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp khả thi trong thực tế, chẳng hạn triển khai loạt chương trình liên quan như "Phát triển thể lực, tầm vóc bằng phương pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 đến 18 tuổi", "Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan"… Hướng triển khai thực hiện nói trên, cộng với đánh giá chung về các yếu tố ảnh hưởng tới thể lực và tầm vóc con người, có thể đưa ra nhận định về những giải pháp nhằm tạo tiền đề cần có hiện nay: Thứ nhất, tập trung cho mục tiêu nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác phát triển thể chất học đường. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và xây dựng đội ngũ chuyên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Thứ ba, cải thiện điều kiện và năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thứ tư, nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn đối với các cấp chính quyền nói chung, đặc biệt là minh bạch hóa và cụ thể hóa vấn đề phân nhiệm, phân quyền kèm theo chế độ thưởng - phạt đối với cấp phường, xã, thị trấn. Thứ năm, thay đổi hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, theo hướng cụ thể, thiết thực hơn.
"Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030" là một văn bản toàn diện, bao gồm cả nội dung đánh giá tình hình thực tiễn, các yếu tố và điều kiện ảnh hưởng tới việc chăm sóc sức khỏe, dự báo tình hình dịch bệnh và mô hình bệnh tật, chương trình hành động cụ thể. Để chiến lược lớn có được thành công, tạo ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển đất nước bền vững, có lẽ, việc thiết thực đầu tiên, điều kiện đầu tiên là bảo đảm tiền đề vững chắc cho việc triển khai thực hiện chiến lược. Đó là phần việc không chỉ của ngành y tế, nó còn là trách nhiệm của nhiều ngành khác, của chính quyền các cấp và của mỗi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.