(HNM) - Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thực hiện đúng theo cam kết tranh cử và tiến hành nhiều cuộc trấn áp mạnh tay với tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Những chính sách này phần nào đã thể hiện rõ quan điểm của ông là xây dựng một đất nước Philippines ổn định về xã hội.
Xung đột giữa các lực lượng đối lập và quân Chính phủ Philippines đã kéo dài nhiều thập kỷ. |
Ngày 22-8, Chính phủ Philippines và lực lượng đối lập cánh tả “Mặt trận Dân chủ quốc gia” (NDF) đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình tại Oslo (Na Uy) trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 50 năm qua. Theo Ngoại trưởng Na Uy Boerge Brende, đây là thời điểm lịch sử để đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột dai dẳng và đem đến ổn định cho Philippines. Nội dung hòa đàm chính thức xoay quanh các vấn đề gồm thả tù nhân, cách thức ngừng bắn tạm thời và thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Cuộc gặp gỡ này là kết quả của những nỗ lực từ tân Tổng thống R.Duterte với cam kết thúc đẩy những biện pháp hòa bình với các nhóm đối lập. Hồi tháng 5, Chính phủ Philippines cùng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã ký Tuyên bố duy trì đối tác trong tiến trình hòa bình Bangsamoro (vốn được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống B.Aquino năm 2014). Mới đây, hai bên đã chính thức nối lại đàm phán về việc triển khai giai đoạn thực thi các thỏa thuận hòa bình. Nhằm thể hiện thiện chí của Chính phủ, cảnh sát đã quyết định phóng thích 12 nhà lãnh đạo thuộc phong trào Maoist cùng với các thủ lĩnh của NDF khác để họ có thể tham gia cuộc đối thoại tại Na Uy. Đáp lại, các nhóm đối lập cũng tuyên bố tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ 21-8, để thúc đẩy hòa đàm ở Na Uy. Lực lượng này bày tỏ hy vọng "thỏa thuận ngừng bắn sẽ được hai bên tuân thủ để chứng tỏ rằng tất cả đều quyết tâm hướng tới hòa bình".
Chưa rõ các cuộc thảo luận tại Oslo sẽ mang đến những cam kết gì nhưng việc hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán đã thể hiện mong muốn này sau hơn 30 năm thương lượng không kết quả. Cũng giống như mục tiêu của các cuộc trấn áp tội phạm, Chính phủ và người dân Philippines đều hy vọng được sống trong đất nước ổn định, an ninh, điều mà họ chưa thể có hoàn toàn trong suốt 47 năm qua.
Theo ước tính của Chính phủ Philippines, các cuộc nổi dậy của các nhóm đối lập trong gần nửa thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của 30.000 người và làm cho một khu vực rộng lớn giàu tài nguyên của nước này nghèo đi. Trong khi đó, với các lực lượng đối lập, dù là tập hợp của nhiều nhóm vũ trang nhưng họ đều có chung một mục tiêu là bảo vệ các quyền và lợi ích cho những người theo phong trào của mình. Thực tế là các cuộc đàm phán hòa bình giữa Manila và NDF dưới vai trò trung gian của Na Uy đã bị gián đoạn từ năm 2012 sau khi Chính phủ từ chối thả tự do cho các lãnh đạo phe cánh tả bị giam giữ hàng chục năm qua. Tương tự, Thỏa thuận toàn diện về Bangsamoro (CAB) giữa Chính phủ tiền nhiệm và MILF với vai trò trung gian của Malaysia vào năm 2014 cũng không có nhiều tiến triển do Quốc hội Philippines đã không thông qua Luật cơ bản Bangsamoro - cơ chế để thực thi CAB. Thậm chí đối với Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF), dù đã có ký thỏa thuận hòa bình với Chính phủ từ năm 1996 nhưng nhóm này vẫn tiếp tục tiến hành các vụ tấn công lẻ tẻ sau khi cáo buộc Manila không đưa ra những nhượng bộ về kinh tế và chính trị theo thỏa thuận.
Vì vậy, cuộc đàm phán giữa Chính phủ và NDF sẽ tạo động lực để Philippines tiếp tục tiến hành đối thoại với các MILF hay MNLF. Tuy nhiên, để các tiến trình đàm phán này thực sự dẫn đến những kết quả thực chất đòi hỏi sự quyết tâm và thỏa hiệp từ các bên. Khi đó, hòa bình ổn định sẽ là tiền đề để Philippines tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho từng người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.