Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền “chùa” trong túi vung ra...

Bình Minh| 21/03/2010 05:58

(HNM) - Kết quả thanh tra toàn diện về thiết bị dạy học phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng chục trường THPT có sai phạm, sử dụng không đúng mục đích gần 3 tỷ đồng kinh phí chương trình "thay sách giáo khoa, đồ dùng dạy học".

Việc sai phạm đồng loạt này còn bộc lộ cung cách quản lý thiếu khoa học, quan liêu của hai cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính là Sở GD-ĐT và Sở Tài chính TP.

Mua sắm tùy tiện, lãng phí ngân sách

Hằng năm, ngân sách TP đều dành nguồn kinh phí đáng kể để thay mới sách giáo khoa và mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực nghiệm. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy hiệu quả sử dụng không đồng đều, chưa phát huy hết tính năng của các thiết bị được trang cấp, chỉ đáp ứng được 70% so với yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp sử dụng kinh phí chưa đúng mục đích theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Việc mua sắm thiết bị CNTT trong dạy học còn lãng phí...

Năm 2006, kinh phí chương trình đầu tư cho 84 trường THPT trên địa bàn TP khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, 17 tỷ đồng chi đúng mục đích (mua sắm sách giáo khoa, trang thiết bị, đồ dùng dạy học...), còn gần 3 tỷ đồng sử dụng tùy tiện (chi lương, phụ cấp, mua sắm tài sản ngoài danh mục…). Hơn 50% trường THPT có vi phạm như: Trường THPT Marie Curie, Nguyễn Chí Thanh, Thanh Đa, Nguyễn Công Trứ, Tam Phú, Đa Phước, Lê Thị Hồng Gấm, Lê Quý Đôn…

Đáng lo ngại là những vi phạm về thủ tục mua sắm, xét chọn nhà thầu (theo phương thức chào hàng cạnh tranh). Cụ thể, trường THPT (Trần Hữu Trang, Nguyễn Thị Diệu) đã nhận hàng hóa trước khi xét chọn nhà thầu cung cấp, nhận hàng trước ký hợp đồng sau, chưa nhận đủ hàng nhưng đã ký thanh lý hợp đồng… Riêng Phòng Giáo dục quận 3 và quận 5 đã chủ động liên hệ với nhà cung cấp, thỏa thuận giá cả, số lượng mua sắm, còn nhà trường chỉ ký "hợp thức hóa" thủ tục về mặt hình thức.

Việc đầu tư mua sắm thiết bị dàn trải đã dẫn đến một số tồn tại, lãng phí: nhiều trường không có đủ diện tích phòng thí nghiệm, kho bảo quản thiết bị, kệ, tủ đựng. Thậm chí, một số trường đang xây dựng, không có phòng mà để tạm nhiều nơi khác nhau, gây hư hỏng, khó khăn trong sử dụng, bảo quản (các trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Cừ). Theo phản ánh của các giáo viên quản lý phòng thí nghiệm lý, hóa, sinh thì đơn vị bán hàng (Công ty CP Sách thiết bị trường học) đã cung cấp một số thiết bị có độ bền kém, nhiều chi tiết dễ hư, gãy: các ống nghiệm môn hóa làm bằng thủy tinh mỏng, dễ vỡ, đế mô hình phân tử ADN bằng nhựa nhẹ, không chắc chắn, dễ ngã làm gãy mô hình…

Một số trường lại sử dụng kinh phí thay sách để trang bị máy vi tính cho ban giám hiệu, phòng kế toán, phòng giáo viên. Hiệu quả việc mua sắm sử dụng máy vi tính chưa cao, sử dụng không hết công suất, tính năng kỹ thuật của máy, có tình trạng lãng phí như Trường THPT Trung Lập mua 2 màn hình 65", trị giá 75 triệu đồng/cái…

Ai chịu trách nhiệm?

Việc Phòng Giáo dục quận 3 và 5 "chỉ định" mua sắm thiết bị dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà trường, chất lượng chưa bảo đảm, giá cả không mang tính cạnh tranh.

Các trường THPT sử dụng kinh phí không đúng mục đích cũng có lỗi của Sở GD-ĐT và Sở Tài chính. Hai sở này đã không kiểm tra cơ sở vật chất hiện hữu, rà soát nhu cầu thực tế cần mua sắm nên dự toán kinh phí thừa. Do các trường không sử dụng hết kinh phí được cấp nên đã chi vào mục đích khác (được Sở GD-ĐT cho phép). Sở GD-ĐT cũng thiếu kiểm tra việc các trường và phòng giáo dục sử dụng kinh phí sai mục đích, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất thông qua kết luận thanh tra. Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã chỉ đạo yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT và Sở Tài chính tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm các cá nhân có liên quan. Sở Tài chính phải sớm trình đề xuất xử lý nghiệp vụ đối với gần 3 tỷ đồng (sai phạm) được yêu cầu xuất toán, nộp trả ngân sách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiền “chùa” trong túi vung ra...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.