(HNM) - Tây Ban Nha là quốc gia dẫn đầu châu Âu về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bí quyết để đạt được kết quả này là xây dựng lòng tin của người dân vào hệ thống y tế và các mối quan hệ gia đình gắn bó trở thành động lực thôi thúc mọi người tham gia tiêm chủng để bảo vệ người thân.
Theo thống kê, hơn 61% trong tổng số 47 triệu người Tây Ban Nha đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU), xếp trên Italia (57,8%), Pháp (56%) và Đức (55,2%). Con số này thậm chí cao hơn cả tỷ lệ 50,3% ghi nhận tại Mỹ. Thành viên Ủy ban chiến lược vắc xin của Chính phủ Tây Ban Nha, Giáo sư Josep Lobera tại Đại học Autonomous ở thủ đô Madrid, nhận định một trong số các yếu tố cốt lõi giúp chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 của Tây Ban Nha gặt hái thành công là niềm tin của người dân đối với hệ thống y tế. Thực tế có rất ít người dân do dự về việc tiêm vắc xin.
Theo một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London được công bố vào tháng 6-2021, 79% người dân ở Tây Ban Nha tin dùng vắc xin phòng Covid-19, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 62% ở Mỹ, 56% ở Pháp và 47% ở Nhật Bản. Tại Tây Ban Nha cũng không xảy ra các cuộc biểu tình lớn như tại Pháp và Italia nhằm phản đối việc bắt buộc các nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 và việc lập thẻ sức khỏe giúp người dân có thể tham gia các hoạt động thường ngày như ăn uống tại các nhà hàng hoặc không gian trong nhà.
Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh Cadena Ser, Bộ trưởng Giáo dục Tây Ban Nha Pilar Alegría nhấn mạnh quốc gia Nam Âu này không cần bắt buộc phải tiêm phòng cho giáo viên hoặc những nhân viên chủ chốt khác, bởi “trên thực tế mọi người đều tự nguyện tiêm phòng”. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tây Ban Nha ra đời năm 1975, cung cấp bảo hiểm miễn phí cho toàn dân theo quy định trong hiến pháp.
Một yếu tố khác giúp lý giải việc người dân Tây Ban Nha sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 là các mối quan hệ gia đình gắn bó chặt chẽ khi có tới 55% thanh niên trong độ tuổi 25-29 vẫn sống với cha mẹ của họ. Luật sư Alejandro Costales, 30 tuổi, người đang chờ tiêm vắc xin tại Trung tâm Wizink, cho biết, việc tiêm vắc xin là cách “quan tâm một chút” đến gia đình của anh. Theo đó, việc tiêm phòng là để “bảo đảm rằng tôi có thể về nhà và không lây bệnh cho họ (gia đình)”.
Ngoài ra, kinh nghiệm đau thương của Tây Ban Nha từ việc chậm trễ tiêm vắc xin phòng bệnh bại liệt cũng giúp giải thích tại sao người dân nước này quan tâm đến việc tiêm chủng. Trong khi một số quốc gia bắt đầu tiêm phòng bại liệt vào giữa những năm 1950, chính quyền dưới thời nhà độc tài Francisco Franco đã trì hoãn triển khai chương trình này sau gần một thập kỷ. Hệ quả là hàng nghìn trẻ em đã nhiễm bệnh, gây các khuyết tật nghiêm trọng về thể chất và thậm chí khiến nhiều trường hợp tử vong.
Niềm tin lại có được rất thấp ở người dân Bulgaria khi nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang liên quan vi rút SARS-CoV-2 đã được chia sẻ tới hàng nghìn lần trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, khiến người dân nảy sinh tâm lý do dự với việc tiêm phòng.
Một cuộc thăm dò do Công ty Phân tích và Tư vấn Gallup (Mỹ) thực hiện gần đây cho thấy, có tới 41,8% số người Bulgaria được hỏi đã từ chối tiêm chủng ngừa Covid-19. Và kết quả thật đáng lo ngại: Những số liệu thống kê chính thức cho thấy mới chỉ có 15% trong tổng dân số 6,9 triệu người của Bulgaria đã tiêm chủng đầy đủ, kém xa mức trung bình của Liên minh châu Âu là 53,3%. Và Bulgaria là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất EU, với 263 ca trên 100.000 dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.