13 giờ ngày 31-3-2004, chiếc xe chở linh cữu PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách lặng lẽ đi giữa dòng người hai bên đường sụt sùi thương tiếc. Có lẽ lâu lắm rồi, giữa cái vòng quay hối hả của cơ chế thị trường, giữa những mưu sinh mưu sự của cuộc đời, người ta mới thấy một đám tang được đông đảo nhân dân trân trọng, tiếc nuối tiễn đưa như thế, mặc dù trong dòng người đó, có những người chưa hề được gặp ông, chưa hề được nhận sự giúp đỡ của ông, nhưng họ trân trọng ông bởi cả sự nghiệp ông đã làm cho đất nước, cho con người, cho hậu thế…
Từ 7 giờ sáng, khi lễ viếng chính thức được bắt đầu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước đã đến thắp hương trước linh cữu của con người hết mực tài hoa và đức độ - PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách. Tiếp theo đó là dòng người từ nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các tổ chức trong và ngoài nước, đông đảo nhất vẫn là các đồng nghiệp, các thế hệ học trò của ông và các tầng lớp nhân dân. Không chỉ hôm nay mà ngay từ khi được tin ông mất, căn nhà của ông ở số 9 phố Lê Thánh Tông, biết bao đoàn người đã lặng lẽ đến bên di ảnh của ông, nước mắt lưng tròng, gọi mãi tên ông. Thế là từ nay, chẳng còn vị giáo sư uyên bác, người bác sĩ tận tình và người đại biểu Quốc hội luôn đôn đáo lo việc “vác tù và hàng tổng” nữa. Ông đã vội ra đi quá sớm, để lại lòng thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người trong gia đình, trong bạn bè đồng nghiệp…
Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp” bởi ông, cũng như thân phụ của ông, cụ Tôn Thất Tùng, là hai chuyên gia hàng đầu về mổ tim, lại lặng lẽ ra đi vì bệnh tim. Nhưng tôi không tin, bởi trước đó, ông đã có những dấu hiệu của bệnh tim mạch. Và hơn ai hết, ông phải là người hiểu rõ căn bệnh của mình hơn ai hết. Thế nhưng, biết bao công việc, cả lo chuyên môn lẫn vấn đề giải pháp tốt nhất cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, lại cuốn hút ông lao vào công việc. Thời gian biểu của ông dày đặc những công việc, suốt từ sáng sớm đến khuya, nào kiểm tra công tác khám và điều trị, trực tiếp mổ cho bệnh nhân, nào là nghiên cứu, giảng dạy, nào là lo nơi ăn chốn ngủ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nào là đi công tác, lo tìm giải pháp y tế cho người nghèo… Biết bao công việc, có tên và không tên, mà với việc nào, ông cũng làm với tất cả sự tận tâm, tận lực, như thân tằm rút ruột nhả tơ cho đời, có lúc nào dành riêng cho mình đâu…
Theo di nguyện của ông lúc sinh thời, rằng không phúng viếng nhiều hương hoa lãng phí vô ích, tất cả tiền phúng được đưa vào quỹ vì người bệnh nghèo, nên cả đám tang lớn là vậy mà chỉ có 30 vòng hoa tượng trưng và một thùng quyên góp tiền phúng viếng chuyển cho người nghèo. Ngay cả khi qua đời, PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách vẫn như thân tằm, rút ruột nhả những sợi tơ óng ánh dệt lên huyền thoại về đức nhân nghĩa nơi trần gian.
Mọi chuyện rồi sẽ lùi vào dĩ vãng trước mưa nắng và thời gian, nhưng những kỷ niệm về ông trong lòng những người được ông giúp đỡ, cứu chữa thoát khỏi hiểm nghèo, những lớp học trò được ông truyền dạy những kiến thức y thuật, y đức cứu người … thì vẫn mãi còn.
Xin thành kính tiễn đưa ông, PGS - Viện sĩ Tôn Thất Bách, con người tài hoa và đức độ, về cõi vĩnh hằng.
Thu Hằng(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.