(HNM) - Hôm nay 21-8 (Rằm tháng Bảy năm Quý Tỵ) - ngày lễ Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân lại về. Việc tổ chức các khóa lễ tại chùa, tại nhà, phóng sinh, đốt mã trong dịp này đã thành thói quen lâu đời của người Việt, chỉ tiếc rằng nghi lễ hiện nay khá rườm rà, tốn kém.
Nhộn nhịp lên chùa, ồ ạt phóng sinh
Việc cúng Rằm tháng Bảy diễn ra từ đầu tháng. Chùa Tăng Phúc (làng Thượng Cát - Long Biên) tổ chức đại lễ Vu Lan với sự tham dự của hàng nghìn người từ ngày 5 tháng Bảy âm lịch (11-8). Thể hiện lòng hiếu kính với đấng sinh thành, rất nhiều người đã đến chùa Quán Sứ làm lễ tạ pháp vào tối 8 tháng Bảy, tụng kinh Vu Lan vào tối 10 tháng Bảy, hành đạo 3 ngày liên tục từ ngày 11 đến 14 tháng Bảy. Lễ đàn diễn ra tối 13 tháng Bảy đông đến mức không thể ước lượng được số người tham gia. Tại chùa Phúc Khánh, hàng nghìn tăng, ni, phật tử với lòng thiện, tâm thành cùng nhà chùa lập đàn cầu siêu, nghe kinh, thụ đạo. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, hầu hết các chùa trên địa bàn Thủ đô đều tổ chức các khóa lễ cầu siêu với số lượng người tham gia đông hơn những năm trước.
Người dân đi lễ chùa trong dịp lễ Vu Lan tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Thành |
Từ đầu tháng Bảy đến nay, nhiều gia đình sắp mâm cơm tươm tất đặt lên ban thờ, thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ; mua hoa quả, nấu cháo trắng, sắm vô số vàng mã… cúng cô hồn ngoài sân, cầu cho họ được bình an nơi bên kia thế giới. Ở góc độ nào đó, những việc làm này mang tính nhân văn, nhưng ở góc độ khác, việc sắp lễ to, làm lễ kéo dài nhiều ngày là sự lãng phí, tốn kém. Khảo sát cho thấy, hàng mã năm nay có rất nhiều "đồ dùng" hiện đại như ô tô, tủ lạnh, điện thoại iPhone, nhà lầu, máy bay…. Bộ lễ loại thường gồm quần áo, giày dép, trang sức, đồ dùng có giá 40.000 - 80.000 đồng; loại cao cấp hơn thì 80.000 - 130.000 đồng/bộ. Ô tô, biệt thự cao cấp đầy đủ tiện nghi có giá 180.000 - 250.000 đồng/chiếc. Đắt đỏ là vậy nhưng vẫn có nhiều người chi tiền triệu mua "hàng hiệu" cho người cõi âm.
Tục phóng sinh vốn phổ biến ở phía Nam nay đã lan tỏa ra đất Bắc. Trước đây, sau các khóa lễ nhà chùa thường phóng sinh, thể hiện tấm lòng từ bi, hỉ xả, giải thoát cho những sinh vật vô tội bị giam hãm, nay thì tục ấy đã thành "phong trào". Lồng chim phóng sinh được bán rất nhiều trên Đại lộ Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong một số chợ khu vực nội thành Hà Nội; rùa tai đỏ phóng sinh được bày bán công khai tại đường Hoàng Hoa Thám, Nhuệ Giang, Kim Ngưu… Nhu cầu tăng cao khiến hàng chục người dân thuộc xóm Lẻ, xã Đa Tốn (Gia Lâm - Hà Nội) có thêm nghề bẫy chim.
Lãng phí do hiểu chưa đúng
Đại đức Thích Đức Thiện, Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích: Lễ Vu Lan là nghi lễ truyền thống của Phật giáo kết hợp với tín ngưỡng thờ ông bà, tổ tiên của người Việt. Tri ân với người đã mất, chúng ta chỉ nên thắp nén hương thơm thành kính lên bàn thờ tổ tiên. Với bố mẹ còn sống, tốt nhất là báo hiếu bằng sự quan tâm hằng ngày. Với thiện ý xá tội vong nhân (cúng cô hồn lang thang), không phải cứ sắm lễ to, đốt nhiều mã là "người âm" nhận được, đó chỉ là sự tưởng tượng. Thay vì tổ chức các khóa lễ to để cúng cô hồn, chúng ta hãy làm việc thiện, quan tâm đến những người nghèo khổ. Hành động săn bắt, mua bán sinh vật để phục vụ nhu cầu phóng sinh là trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. Phóng sinh là việc từ tâm, nên làm một cách vô tư, trong sáng, đừng tính toán vì lợi ích riêng tư, cho dù lợi ích đó chỉ là ảo", Đại đức Thích Đức Thiện nhận định.
Nói về tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Trong đám tang, ngày giỗ của các nhà sư, hòa thượng không bao giờ có một tờ vàng mã nào mang đi hóa. Quan niệm "trần sao âm vậy", hóa thật nhiều tiền vàng cho người cõi âm là nhận thức không đúng, vừa gây lãng phí tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã đã có từ lâu đời nên phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ, giảm từ từ.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, bản chất của việc đốt mã, phóng sinh, tổ chức các khóa lễ to dịp Rằm tháng Bảy ở chùa hay ở nhà không xấu, vấn đề là tổ chức sao cho phù hợp. Nếu nhu cầu phóng sinh ngày một lớn, có thể chúng ta phải tính đến phương án nuôi các sinh vật để bán chứ không nên để tình trạng săn bắt như hiện nay.
Như vậy, con người tích đức, tu nhân, làm việc thiện mới là cách báo hiếu, cách để "xá tội vong nhân" tốt nhất trong ngày Rằm tháng Bảy, chứ không phải là những khóa lễ cao đầy chất ngất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.